1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Thừa Thiên Huế:

70 tuổi, lê bước ăn xin nuôi chồng bại liệt

(Dân trí) - Cụ bà tay run run đút từng thìa cháo loãng cho người chồng bại liệt, mắt rưng rưng: “Ông ấy bị liệt hai năm nay, không thể cử động được. Tôi không có ruộng vườn để làm, đành đi lang thang xin ăn, bà con cho gì thì chúng tôi ăn nấy”.

 

Người dân sống quanh tổ 3, quận 1, thị trấn A Lưới, Thừa Thiên Huế ai cũng biết đến gia cảnh khốn khổ của đôi vợ chồng ông Trần Bản và bà Trần Thị Được.

 

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, lẽ ra ông bà không còn phải lo cái ăn cái mặc thì nay đôi vợ chồng khốn khổ ấy vẫn phải xin ăn từng bữa qua ngày. Ruộng nương không có, tấm sổ đỏ bà Được cũng phải đem đi cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho chồng, tiền đã cạn mà bệnh tình của ông không thuyên giảm. Không có đất đai cấy cày, hàng ngày bà Được lang thang khắp các nẻo đường của thị trấn A Lưới xin ăn nuôi chồng.
 

70 tuổi, lê bước ăn xin nuôi chồng bại liệt - 1

Giờ đây, cuộc sống của ông bà như hai ngọn đèn trước bão!

 

Trước đây, ông bà sinh sống bằng nghề đạp xích lô của ông Bản, cách đây 2 năm khi ông Bản đi làm về thì bị cảm. Nhà nghèo, lại thêm phần chủ quan ông bà không đến bệnh viện, cho tới khi không thể chống chọi với cơn bạo bệnh, mọi người đưa ông đi viện thì mới hay ông đã liệt toàn thân. Bà Được vốn bị bệnh khớp mãn tính, nay lại sốc khi biết bệnh của chồng, tai họa dồn dập ập đến khiến sức khỏe của bà suy kiệt. Dù có bệnh cũng không thể nằm một chỗ, bà gắng gượng chăm sóc ông trong mọi sinh hoạt hàng ngày, lê bước ăn xin để ông không bị đói.

 

Bệnh nặng, người ông lúc nào cũng cứng đơ không mặc nổi quần áo, khi đêm xuống, trời lạnh, bà Được chỉ còn cách phủ cho chồng một tấm mền. Cách đây một thời gian, ông Bản bị kiến lửa đốt khắp người, làm cách nào cũng không đuổi hết lũ kiến bà Được phải mua dầu hỏa về sát lên người ông đàn kiến mới chịu đi. Từ đó, cứ mỗi buổi bà Được lại phải lo mua dầu hỏa về vảy khắp nhà đề phòng kiến lửa đến.

 

Nằm trên giường nhưng chẳng lúc nào ông Bản yên lòng dưỡng bệnh, mắt rơm rớm ông thương bà lam lũ, nhọc nhằn: “Giá chết được còn đỡ khổ, chứ nằm như vậy để bà ấy chạy vạy từng bữa, lại tiền thuốc thang hàng tháng cực lắm!”, giọng ông lặng đi.

 

Loanh quanh xin ăn mãi ở cái thị trấn nhỏ bé chẳng đủ tiền thuốc thang cho ông, nhiều khi bà lặn lội lên TP Huế rồi vào cả Đà Nẵng những mong xin được nhiều hơn mang về mua thuốc cho ông. Hơn một tháng lăn lộn bà mang về gần 300 nghìn đồng: “Số tiền này may lắm cũng chỉ đủ thuốc thang cho ông ấy mươi ngày. Còn sau đó lại làm gì để tiếp tục sống đây?”, bà Được nghẹn ngào.

 

Bà kể có hôm bà đi về thấy ông đang rên la đau đớn, bà vội chạy đến nhưng đôi chân bỗng quỵ xuống, không sao đứng lên nổi, hai ông bà cùng khóc như hai đứa trẻ.

 

Căn bệnh khớp khiến cho đôi chân bà bước đi xiêu vẹo. Khuôn mặt gầy nhăn nhúm, chùng xuống không thể nén tiếng thở dài, bà nói như mếu: “Không biết tôi còn đi được bao lâu nữa. Lỡ ra tôi đi trước ông ấy thì làm sao nhắm mắt nổi”.
 

Câu nói của bà cụ nghe quặn thắt nỗi niềm của hai mái đầu bạc!


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:


1. Bà Trần Thị Được:  Tổ 3, quận 1, thị trấn A Lưới, Thừa Thiên Huế.

 
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 
Email:
quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

* Tài khoản USD:

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK : 10 202 0000 004346

Switch Code : ICBVVNVX106 639

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam  

 
3. Văn phòng đại diện của báo:
 

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122


VP Đà Nẵng:
25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM:
40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269

 

                                                                        Hoài Văn - Nguyễn Đông