1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

3 mảnh đời HIV “bám” bên quán trà đá

(Dân trí) - Đứa bé lao ra, bám vào đùi tôi để leo lên chiếc xe máy chưa kịp gạt chân chống. Một bà cụ trạc ngoài 70 tuổi tiện thể lấy cây gậy gạt gạt con bé xuống, ghé tai tôi nói thầm: “Nó bị HIV đấy, cháu cẩn thận”.

“Cả gia đình nhà nó bị “ết” hết rồi! Họ hàng sợ bị lây nhiễm nên bố mẹ nó bồng bế nhau sang đây bán trà đá để kiếm sống qua ngày”, bà cụ chỉ cây gậy vào quán trà đá của vợ chồng anh chị Trung - Liên tôi định vào. Bà nói tiếp: “Con bé này là con chúng nó đấy, khôn đáo để, cái gì nó cũng biết”.

 

Trước cổng đại học Y Thái Nguyên, một ngày hè nóng nực. Hàng ngàn sĩ tử các tỉnh phía Bắc đang đổ về đây chờ ngày thi đại học và cao đẳng. Nằm giữa thành phố nhưng quán trà đá của vợ chồng Nguyễn Thị Liên - Trần Anh Trung chỉ lèo tèo vài mống khách.

 

Nguyện vọng của gia đình cũng như ước mơ của cháu bé Trần Ngọc Anh lúc này là được đi học.

Quý độc giả mong muốn giúp đỡ bé Trần Ngọc Anh có thể liên hệ theo địa chỉ:

 

1. Anh chị Trần Anh Trung - Nguyễn Thị Liên, xóm Tân Hương, xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. ĐT: 0280 271.123

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí: 04.7366491 (Máy lẻ 403)

Năm 1996, cuộc sống khó khăn, được một người quen giới thiệu, Trần Anh Trung một mình từ Thái Nguyên lần tìm đến nhà chị gái của Nguyễn Thị Liên ở Bắc Giang học nghề làm bánh rán. Lúc này Liên cũng đang phụ giúp tại đây. Những điểm tương đồng đã gắn họ lại với nhau. Năm 1997 cưới nhau, đến năm 1999 họ sinh bé gái đặt tên là Trần Phương Ly.

 

Thêm một mặt con, khó khăn chồng khó khăn, Trung nhiều lúc tỏ ra chán nản rồi sinh chơi bời, nghiện ngập; bao nhiêu đồ đạc và tiền bán bánh hàng ngày anh đều nướng vào ma túy. Con đường nghiện ngập đưa Trung vào những chốn “ăn sương” để mặc cho vợ con thiếu thốn, không có cả tiền về quê ăn tết. Không biết bao nhiêu đêm chị Liên không ăn không ngủ chờ chồng.

 

Trong những lần “chơi trắng” ấy, lần chích chung kim tiêm duy nhất đã khiến Trung phải ôm hận cả đời. Người dùng chung kim tiêm với Trung sau đó đã chết vì “ết”.

 

Rồi những cơn đau bụng đi ngoài của vợ Trung kéo dài trong nhiều tháng, chạy khắp các viện không phát hiện ra bệnh gì, uống thuốc cũng chỉ cầm cự được ít hôm, những cơn đau bụng lại tiếp diễn. Một lần điều trị tại Bệnh viện A (Thái Nguyên), chị Liên được các bác sĩ kết luận dương tính với HIV.

 

Nhận bệnh án của vợ trên tay, Trung choáng váng nhưng vẫn chưa thật sự tin, cho đến khi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đưa ra kết luận tương tự, Trung tưởng như trời đất quay cuồng.

 

Những triệu chứng về căn bệnh dần hiện rõ, Trung hiểu rằng vợ và đứa con gái thứ hai Trần Ngọc Anh (SN 2002), chào đời giữa lúc Trung đang bê tha nghiện ngập, cũng đã nhiễm HIV. Vừa chào đời đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cháu Trần Ngọc Anh đã trải qua nhiều cơn thập tử nhất sinh, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thụy Điển cứu chữa. Hiện cháu được chuyển về Bệnh viện A Thái Nguyên để tiếp tục điều trị.

 

Vẫn biết rằng vô phương cứu chữa, nhưng để kéo dài sự sống cho vợ con, Trung đem bán mảnh đất trên Thái Nguyên được bố mẹ chia cho lúc lấy vợ, để lo liệu tiền thuốc men. Gia đình, họ hàng sợ “vạ lây” ngày càng tỏ ý ghẻ lạnh, vợ chồng Trung đành gửi lại cháu lớn Phương Ly cho ông bà nuôi giúp, bồng bế nhau sang TP Thái Nguyên kiếm kế sinh nhai.

 

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề 20-10 (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên) nói: “Hoàn cảnh nhà Trung - Liên khó khăn lắm, cả gia đình chỉ biết trông vào quán trà đá, ăn còn chẳng đủ, lại còn phải trả tiền thuê phòng trọ.

 

Cũng may, sau khi biết mình bị “ết”, chồng Liên đã kiên quyết cai nghiện được 2 năm nay rồi. Khó khăn thế, nhưng khi nhóm Hoa Hướng Dương cần phải đi tư vấn cho gia đình nhà nào có trường hợp bị nhiễm HIV, chị Liên cũng hăng hái nhất (Liên đang hoạt động tư vấn trong nhóm Hoa Hướng Dương). 

 

Nhiều khi Hội Phụ nữ tỉnh cũng muốn giúp đỡ nhiều hơn nữa những người như chị Liên nhưng kinh phí eo hẹp nên chỉ còn biết bảo lãnh cho họ vay vốn để kinh doanh thôi”.

 

Được Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên giúp đỡ mua cho một chiếc xe đẩy chở hàng, hàng ngày hai vợ chồng đẩy xe ra vỉa hè bán trà đá từ 8h sáng cho tới khuya mới về. Mỗi ngày trung bình “cửa hàng” của họ cũng kiếm được khoảng 50 nghìn đồng; nhưng tiền thuê phòng trọ cũng đã mất tới 500 nghìn/tháng.

 

Mải tiếp chuyện tôi, một đội tuần tra công an phường đi dẹp hè phố đã ập tới thu của vợ chồng Trung chiếc ô. Những giọt nước mắt lại chảy vắt trên khuôn mặt sạm đen của chị Liên, cháu Ngọc Anh ngơ ngác nhìn mẹ, một mình Trung bê ghế nhựa và thùng đá chạy không xuể, thở hổn hển lau mồ hôi rồi ngồi phệt xuống mảnh giấy để sẵn dưới đất.

 

Nhìn sức lực của vợ chồng Trung lúc này, tôi biết họ đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh, như ngọn đèn leo lét trước gió. Trung lau mồ hôi nói: “Mình vẫn biết là đã làm khổ vợ con, nhưng giờ nói không lại được nữa, chỉ mong sao năm nay cháu Ngọc Anh được đi học như bao cháu khác thôi. Cháu nó thèm được đi học lắm anh ạ! Hàng ngày cháu nó cứ chạy sang nhà hàng xóm ép tai vào tường nghe trộm chúng nó học bài, tối về cũng ê a đánh vần”.

 

Tôi quay nhìn cháu Ngọc Anh, như một cái que mỏng mảnh cắm trên hè phố, đôi mắt u buồn ngơ ngác nhìn ra đường.

 

Theo phiếu chuyển viện điều trị của Bệnh viện Nhi TƯ, hiện căn bệnh của cháu Ngọc Anh đang ở giai đoạn 2, cân nặng 15kg. Một bác sĩ nói, với tình hình thể trạng của cháu Ngọc Anh và không bị sốt như hiện nay, nếu điều trị tốt, cuộc sống của cháu vẫn có thể kéo dài được khoảng trên chục năm.

 

Trời đã về chiều. Những tia nắng cuối cùng của một ngày vẫn còn soi rọi, tôi cũng kịp bắt chuyến xe cuối cùng để về Hà Nội; lại thấy lòng thắc thỏm, day dứt nhớ cháu Ngọc Anh cứ đòi theo tôi về Hà Nội để được đi học…

 

Hồng Ngân