Tâm điểm
Hữu Bình

Từ chuyện lương tháng 7 triệu đồng của Nguyễn Thị Oanh

Câu chuyện về nghị lực và chiến công phi thường của "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32 đã thu hút sự chú ý của công luận, không chỉ bởi góc độ chuyên môn mà hơn thế, tiếp tục dấy lên sự trăn trở về thực trạng chế độ đãi ngộ cho vận động viên (VĐV) thể thao hãy còn quá thấp, không tương xứng với những cống hiến, hy sinh của họ.

Tại sao lại thế? Và cần làm gì để nâng cao đời sống cho VĐV thể thao Việt Nam để họ yên tâm phấn đấu và nâng cao trình độ để hướng tới những thành công lớn hơn trong tương lai?

Những nỗ lực vượt khó

Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Oanh tiếp tục nổi lên như một hiện tượng với kỷ lục là VĐV Việt Nam đầu tiên giành 4 HCV cá nhân ở môn điền kinh tại 1 kỳ đại hội trên đấu trường khu vực. Chiến công ấy càng trở nên "lung linh" hơn khi cô gái nhỏ bé đến từ miền quê nghèo của tỉnh Bắc Giang giành 2 HCV các cự ly 1.500m và 3.000m chỉ trong vòng nửa tiếng - một thử thách "cực đại" hiếm ai làm được.

Càng cảm phục Oanh bao nhiêu, người ta hẳn càng ngỡ ngàng xót xa bấy nhiêu khi biết thêm về hoàn cảnh của "cô gái vàng" ấy: Chỉ nhận mức lương tháng hơn 7 triệu đồng, phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống cũng như phụ giúp thêm cho gia đình vốn dĩ rất khó khăn (nhà Oanh có tới 8 anh chị em)…

Trong dòng chảy thông tin ấy, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc tặng xe, tặng nhà… Ai cũng bảo "Oanh hoàn toàn xứng đáng", rằng lẽ ra cô phải nhận được chế độ đãi ngộ đặc biệt từ lâu mới phải!

Từ chuyện lương tháng 7 triệu đồng của Nguyễn Thị Oanh - 1

"Cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên thực tế, Nguyễn Thị Oanh không phải VĐV hàng đầu quốc gia duy nhất phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như vậy. Như "tiền bối" của cô, Vũ Bích Hường - chân chạy 100m rào từng đem về tấm HCV SEA Games đầu tiên cho điền kinh Việt Nam (tại SEA Games 18 năm 1995) từng lâm vào tình cảnh kiệt quệ sau khi giải nghệ rồi bị tai nạn, con trai thứ hai lâm bệnh, hoàn cảnh gia đình khốn khó đến mức báo giới phải vào cuộc để kêu gọi sự ủng hộ từ xã hội.

Nhiều VĐV khác cũng khó khăn không kém. Ngay tại SEA Games này, ở môn điền kinh còn có tấm gương của Nguyễn Linh Na, cô gái dân tộc Mường đến từ miền quê Hòa Bình đã bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung siêu khó (7 môn phối hợp). Bạn cứ hỏi Na về động lực của thành công mà xem, thể nào cũng thấy trên gương mặt sáng sủa ấy tỏa ra nét buồn, vì cô không còn cách nào khác để vươn lên từ gia cảnh rất éo le.

Vâng, với rất nhiều VĐV, thể thao chính là điểm tựa lớn nhất để họ vươn lên trong cuộc sống, dẫu biết rằng những chế độ đãi ngộ trong "nghề" còn thấp so với mặt bằng xã hội. Thử hỏi có mấy người đạt tới đỉnh cao như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, 1 HCV và 1 HCB tại Olympic 2016), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, giữ kỷ lục giành 25 HCV SEA Games trong sự nghiệp) hay Nguyễn Thị Oanh? Với số đông VĐV đỉnh cao, chỉ cần thi đấu ổn định, giành HCV tại các giải quốc gia, phấn đấu có thêm thành tích tại SEA Games hay cùng lắm là Asiad (Đại hội thể thao châu Á) đã là mãn nguyện lắm rồi, vì như thế ngoài lương và phụ cấp, họ sẽ có thêm các khoản thưởng huy chương, ở nhiều địa phương sẽ có thêm tiền "đẳng cấp" (cao hơn so với "lương cứng" khá nhiều)…

Cũng cần nhấn mạnh là mọi thứ chỉ đến với VĐV khi họ may mắn không rơi vào chấn thương nặng dẫn tới mất phong độ hoặc thậm chí, sớm phải chia tay đấu trường.

Bởi thế, hiếm người trong số ấy tự làm phép so sánh giữa thu nhập của mình với các ngành nghề khác trong xã hội. Vì họ tự bằng lòng, và chỉ biết nỗ lực để bớt khó khăn cũng vui lắm rồi, "kêu khổ" có khi còn… làm mất lòng lãnh đạo mà không giải quyết được vấn đề!

Trách nhiệm không của riêng ai

Nhưng từ góc nhìn khác, rõ ràng chế độ đãi ngộ dành cho VĐV thể thao thành tích cao của chúng ta chưa thỏa đáng. Trong bối cảnh ngân sách của Nhà nước đầu tư cho ngành Thể dục thể thao còn thấp, các VĐV cấp đội tuyển quốc gia chỉ có thể trông vào tiền công tập luyện và thưởng huy chương (HCV tại SEA Games được 45 triệu đồng). "Đầu ra" cho VĐV cũng khá bấp bênh, vì không phải ai giải nghệ cũng có thể trở thành huấn luyện viên để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thể thao cho tới khi hết tuổi lao động. Rất nhiều người đành chọn… rẽ ngang, thậm chí bắt đầu lại trong một lĩnh vực mới, khi tuổi không còn trẻ nữa. Cũng bởi thực trạng ấy mà không ít tài năng thể thao của chúng ta đã chọn con đường khác để có một mức sống tốt hơn, khi mọi thứ còn chưa quá muộn màng…

Để phần nào cải thiện đời sống VĐV, thu hút nhân tài, trong những năm qua, một số địa phương đã có sự điều chỉnh quy định về chế độ đãi ngộ, lương - thưởng dành cho các VĐV có thành tích tốt. Như TPHCM, các VĐV giành HCV tại SEA Games trở về sẽ nhận mức trợ cấp gọi là "tiền đẳng cấp" khoảng 40 triệu đồng/tháng trong 2 năm liên tục, chưa kể tiền thưởng huy chương của thành phố.

Thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành "có điều kiện" khác cũng thế, đều có điều chỉnh sao cho giúp VĐV có thêm động lực phấn đấu theo "nghiệp thể thao" và nỗ lực hướng tới những thành tích cao hơn. Cá biệt một số tỉnh, thành còn từng đưa ra chính sách thu hút tài năng đặc biệt. Như Đà Nẵng từng có chế độ đặc biệt để đưa về những "ngôi sao" Lê Huỳnh Đức (bóng đá) hay Hoàng Anh Tuấn (cử tạ).

Như Hải Phòng từng tặng một mảnh đất cho nhà vô địch nhảy cao Bùi Thị Nhung. Hay Bình Dương mở rộng vòng tay đối với Lại Lý Huynh, kỳ thủ cờ tướng số 1 Việt Nam. Ngành Quân đội thì lại có cách khích lệ khác với các VĐV của mình, ngoài tiền thưởng huy chương, tiến hành phong quân hàm trước thời hạn dành cho Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Ánh Viên.

Vấn đề nằm ở đây, từ hoàn cảnh, điều kiện riêng của mình, các tỉnh, thành hay ngành đều có thể đưa ra quy định, chế độ phù hợp để nâng cao chế độ đãi ngộ dành cho VĐV thể thao. Việc khen thưởng đặc biệt cho những chiến công đặc biệt là rất cần thiết, qua đó tạo nên động lực phấn đấu cho số đông các VĐV khác. Trường hợp của Oanh khiến lãnh đạo ngành TDTT và UBND tỉnh Bắc Giang phải suy nghĩ, vì để chấp nhận gắn bó ở lại cống hiến cho quê hương, Oanh đã bỏ qua nhiều cơ hội hấp dẫn nếu "đầu quân" cho tỉnh, thành khác!

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về Thể dục thể thao là vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Thực tế cho thấy chúng ta đang có khoảng 40 Liên đoàn thể thao của các môn, nhưng chỉ số ít đảm bảo thực hiện tốt chức năng thu hút nguồn lực xã hội. Sự yếu kém từ tổ chức tới hoạt động của các Liên đoàn (nhiều Liên đoàn còn phải nhờ Tổng cục TDTT đóng tiền niên liễm cho các tổ chức thể thao quốc tế) là thực trạng cần sớm thay đổi. Trong đó, đa số Liên đoàn đều cần có sự đổi mới về công tác truyền thông, quảng bá, "làm hình ảnh" đối với các VĐV đặc biệt, qua đó tạo sự chú ý, quan tâm hơn từ xã hội.

Thêm vào đó, chúng ta cũng cần nhanh chóng sửa đổi các chính sách liên quan tới tài trợ thể thao, đầu tư thể thao (còn khá bất cập), qua đó mới thu hút tốt hơn các nguồn lực khác. Hy vọng "Chiến lược Phát triển Thể dục Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" sắp tới sẽ là cơ sở cho sự thay đổi này.

Không xã hội hóa tốt, thể thao Việt Nam sẽ chưa thể chuyên nghiệp hóa. Mà chưa chuyên nghiệp hóa thì chuyện các VĐV đỉnh cao có thể sống khỏe với nghề chắc chắn sẽ vẫn ở "thì tương lai". Một câu chuyện dài nhiều tập, cần bắt đầu từ sự thay đổi tư duy từ ngay các cấp các ngành  hữu trách với sự phát triển của thể dục thể thao Việt Nam.

Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022, nhà báo Doãn Hữu Bình là Ủy viên Tiểu Ban Truyền thông của Ban Tổ chức, đồng thời là tác giả của khẩu hiệu "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a stronger Southeast Asia) của SEA Games 31.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!