Tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế

Trong Chỉ thị 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng các tháng cuối năm 2013 vừa ban hành ngày 18/7, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các NHTM đẩy mạnh tín dụng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 12% để hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm 2013.

Sáu tháng đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng khoảng 4,5% và để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013 là thách thức không nhỏ trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn hiện nay. Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Loic Faussier - Phó Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc khối Quản trị rủi ro Ngân hàng VIB về vấn đề này.
 
Ông Loic Faussier - Phó Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc khối Quản trị rủi ro Ngân hàng VIB.
Ông Loic Faussier - Phó Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc khối Quản trị rủi ro Ngân hàng VIB.

 

Thông thường, hai quí cuối năm là giai đoạn tăng tốc giải ngân tín dụng của các NHTM do nhu cầu vốn của DN tăng cao. Sáu tháng đầu năm 2013, tín dụng tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 4,5%, kỳ vọng 12% cho cả năm là bài toán nan giải. Liệu con số 12% có phải là thử thách lớn cho ngành ngân hàng thưa ông?

 

Cho đến gần đây, khi con số lạm phát lên đến 20%, lãi suất vẫn đang ở mức rất cao. Và tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà Nước đã làm rất tốt việc giảm tỷ lệ lạm phát về mức một  con số và giảm lãi suất trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tiếp tục xem xét giảm lãi suất như 1 giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cho năm 2013 được dự kiến vào khoảng 7% nên lãi suất sẽ không còn khả năng giảm nhiều trong các tháng cuối năm. Điều này sẽ có một số tác động nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và ở một mức độ nào đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

 

Mặt khác, giảm lãi suất có thể hỗ trợ tăng trưởng tín dụng nhưng mọi người không chỉ vay đơn thuần vì lãi suất thấp mà còn vì họ có nhu cầu về vốn. Và đây là vấn đề không đơn giản trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu những ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.

 

Do vậy, tuy không thể nói liệu chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay hay không nhưng tôi nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hết sức bằng cách giảm lãi suất. Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt đến mức nào thì còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế.

 

Tăng trưởng tín dụng thì phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế nhưng mục tiêu tăng trưởng 12% cũng là để hỗ trợ kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2013, ông nghĩ sao?

 

Tín dụng là mạch máu của nền kinh tế và có thể góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng. Các công ty có thể sử dụng vốn chủ sở hữu của họ cho các hoạt động như đầu tư tài chính, tài trợ vốn lưu động, … nhưng họ cũng cần sự hỗ trợ từ tín dụng. Do vậy, tăng trưởng tín dụng chắc chắn sẽ góp phần tác động đến tốc tộ tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thận trọng để phục vụ tốt và trước hết là cho nhu cầu tín dụng của các lĩnh vực phát triển lành mạnh trong nền kinh tế. Trong các năm trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm của Việt Nam đều đạt mức 25% đến 40%, tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao này đã tạo ra hiện tượng tín dụng bong bóng trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như bất động sản.

 

Vì vậy, tăng trưởng tín dụng có thể được sử dụng như một giải pháp cho tăng trưởng kinh tế nhưng phải được sử dụng thận trọng và hợp lý thì mới mang lại hiệu quả.

 

Ngân hàng Quốc tế trong 6 tháng đầu năm nay mức độ tăng trưởng tín dụng so với kỳ vọng của VIB như thế nào và những giải pháp, những gói tín dụng cụ thể trong thời gian gần đây?

 

Cũng giống như mặt bằng chung của thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VIB không quá cao. Giai đoạn này, VIB muốn tập trung cải tiến các quy trình cấp tín dụng của ngân hàng thay vì tập trung vào tăng trưởng tín dụng.

 

Tại VIB, trong 12 tháng qua, chúng tôi đã tiến hành rà soát và cải tiến các quy trình tín dụng của mình. Chẳng hạn, thông thường các ngân hàng trong nước thường cho vay dựa trên tài sản đảm bảo và không quan tâm nhiều tới vòng quay tiền mặt hoặc tình hình tài chính của doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng không xem xét kỹ tính hình tài chính của doanh nghiệp thì sẽ không tránh khỏi trường hợp sau khi vay doanh nghiệp vẫn nhanh chóng gặp phải khó khăn. Lúc này, ngân hàng chỉ có thể phụ thuộc vào tài sản đảm bảo. Nếu tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, gạo, thép, cà phê... thì khi doanh nghiệp khó khăn tài sản đảm bảo vẫn còn đó. Nhưng nếu tài sản đảm bảo là bất động sản, ngân hàng sẽ phải phụ thuộc vào sự đồng ý của doanh nghiệp đi vay để bán bất động sản thì mới có khả năng thu hồi được khoản vay.

 

Do vậy, ở VIB, trước hết chúng tôi xem xét vòng quay tiền mặt của doanh nghiệp, sau đó mới đến tài sản đảm bảo. Điều này khác với hầu hết các ngân hàng thương mại khác ở Việt Nam nhưng thực chất là cách làm phổ biến của các ngân hàng quốc tế. Với việc tập trung vào cải tiến các quy trình tín dụng trong thời gian qua, đến khi nhu cầu tăng trở lại, chúng tôi sẽ không chỉ có tăng trưởng tín dụng mà còn có thể tăng trưởng tín dụng bền vững.

 

Cám ơn ông!

 

Hà Giang