Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02: Phù hợp với sức khỏe nền kinh tế

Nhìn nhận về việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02, Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với sức khỏe nền kinh tế.

Ngày18/03/2014,Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định  về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Xung quanh vấn đề này phóng viên đã trao đổi với Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông.
 
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông.
Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông.

 

Thưa ông, khi NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ và tạo điều hiện cho DN tiếp tục được tiếp cận, vay vốn tín dụng thuận lợi, khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thì điều này có ý nghĩa như thế nào với các NHTM?

 

Thông tư 02 về mặt dài hạn nên thực hiện nghiêm túc bởi vì hoạt động ngân hàng khi áp Thông tư 02 sẽ tăng tính minh bạch trong việc bảo đảm tài sản có của các ngân hàng. Thông tư 02 hoàn toàn đúng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm đánh giá đúng thực trạng chất lượng tín dụng và nợ xấu của từng TCTD và của hệ thống.

 

Trước mắt trong  giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế mới đi qua đáy, bước qua khủng hoảng thì việc áp dụng ngay Thông tư 02 sẽ là một khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế và các NHTM. Việc sửa đổi Thông tư 02 tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp có thời gian khắc phục khó khăn để được tiếp tục vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa mới được cho uống thuốc và bây giờ cần có thời gian để “ngấm thuốc” để ổn định sức khỏe, bởi vậy các doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Bản thân các ngân hàng cần có thời gian dốc sức vào xử lý những khó khăn cho hoạt động tín dụng, đặc biệt là hoạt động tín dụng với doanh nghiệp. Tôi cho rằng chỉnh sửa Thông tư 02 cho mềm mại hơn, phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp các NHTM trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay là rất phù hợp.

 

Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 02, có tác động thế nào với Agribank?

 

Thực ra khi có Thông tư 02, Agribank cũng đã làm song song cả cái cũ và Thông tư 02 để đo lường mức độ rủi ro khi áp cơ chế chính sách mới. Agribank cũng đã phân loại từng nhóm nợ để có phương án xử lý phù hợp, tuy nhiên khi nền kinh tế quá khó khăn, mới thoát khỏi khủng hoảng áp dụng cứng ngay Thông tư 02 thì các doanh nghiệp không có cơ hội phục hồi sản xuất. Nói cách khác, các doanh nghiệp chết lâm sàng, doanh nghiệp quá khó khăn không có khả năng phục hồi được thì giải thể, còn doanh nghiệp nào trụ, tồn tại được thì cần tiếp tục được tiếp cận, vay vốn tín dụng, khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp năm vừa rồi không có lãi mà tồn tại, trụ lại được vượt qua giai đoạn khó khăn vừa rồi, đây là những khách hàng tiềm năng của các NHTM. Hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng, tạo nguồn lực cho phát triển đóng góp chung cho phát triển của nền kinh tế.

 

Có ý kiến cho rằng, nếu như thế nợ xấu chưa giải quyết được ngay, ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

 

Tôi cho rằng, các NHTM nói chung và Agribank  đều ý thức  được rất rõ vấn đề đó. Qua một cơn bạo bệnh khi thuốc đã kê đúng toa rồi, nhưng không thể khỏe mạnh hồng hào được ngay mà cần có một giai đoạn để bồi bổ sức khỏe và tiếp tục tập luyện để đảm bảo khỏe mạnh, không thể giải quyết được trong một sớm một chiều được. Vấn đề uyển chuyển thế nào đó trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng, hơn ai hết doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế, nếu không có ý thức nuôi dưỡng thì không có cơ hội để phát triển, như vậy sẽ  không có một nền kinh tế thực sự phát triển lành mạnh được.

 

Cần phải có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này, lỗi không phải chỉ có duy nhất doanh nghiệp, mà do khách quan từ nền kinh tế thế giới, trong nước khó khăn, không có nghĩa là uyển chuyển như thế làm trầm trọng thêm các vấn đề. Các NHTM và Agribank  ý thức rất rõ vấn đề này. Khi có Thông tư 02 chúng tôi đã đưa vào để rà soát, quản lý nợ, phân loại để có ứng xử, đối với từng loại hình doanh nghiệp nếu áp dụng ngay thì thế nào, chưa thì thế nào, phân hướng xử lý từng loại hình doanh nghiệp, nợ vay trên toàn hệ thống, cái gốc vấn đề tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nếu ngân hàng chỉ đơn phương không, sẽ không giải quyết được vấn đề.

 

Việc sửa đổi, bổ sung  theo lộ trình một số điểm của Thông tư 02, Agribank có các biện pháp gì để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng?

 

Việc phân loại rà soát  chất lượng tài sản có, chất lượng tín dụng của Agribank, chúng tôi làm thường xuyên, hàng tháng, hàng quý, thậm chí chúng tôi có các tổ chỉ đạo các chi nhánh có nợ xấu cao, hàng ngày phân tích và đưa ra các giải pháp.

 

Điều chỉnh lại Thông tư 02 rất cần thiết trong lúc này. Thứ nhất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh. Thứ hai, tạo điều kiện cho các ngân hàng chủ động  xử lý phù hợp với nền kinh tế tránh sự đổ vỡ gây ra cú sốc không cần thiết cho các doanh nghiệp. Tất nhiên thời gian vừa rồi lùi Thông tư 02 lại sau 1 năm cũng là điều kiện rất tốt, tuy nhiên  đã đủ chưa thì tôi cho rằng chưa. Kinh tế thế giới và Việt Nam mới thoát ra khỏi đáy của khủng hoảng thì cần có một thời gian để phục hồi, các biện pháp với NHTM nói chung và Agribank nói riêng áp Thông tư 02  hoặc giãn thời gian, điều chỉnh Thông tư 02 chúng tôi cũng có nguyên tắc riêng, ứng phó riêng  để nâng cao chất lượng tài sản có, tức là chất lượng tín dụng đây là vấn đề sóng còn của NHTM hiện nay.

 

Ngọc Quyết (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm