Doanh nghiệp nước ngoài bắt tay chế biến mắc ca với Việt Nam
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Maccadamia quốc tế (IDMA) vừa ký hợp tác với công ty công ty sản xuất bánh kẹo TPK Melaida Liên Bang Nga. TPK Melaida là một doanh nghiệp có tên tuổi tại Nga và có thế mạnh về sản xuất và công nghệ chế biến.
Thị trường mắc ca ở Việt Nam tuy còn rất mới mẻ, nhưng đang cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp vào cuộc và đầu tư mạnh.
Ông Vũ Hoàng Phương, TGĐ Cty IDMA cho biết, việc hợp tác với TPK Melaida Liên Bang Nga nhằm Hợp tác sản xuất và đa dạng các sản phẩm từ mắc ca để cung cấp trên thị trường Nga.
Cũng theo ông Phương, IDMA đã có những hợp tác bước đầu với doanh nghiệp tại Úc để phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu về giống mắc ca đồng thời phát triển thị trường.
Trong lễ ký kết hợp tác chiến lược được IDMA tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội, IDMA cũng đã ký kết với các đối tác khác trong các lĩnh vực sản xuất cây giống và phát triển vùng nguyên liệu tại Sơn La, Điện Biên.
Quang cảnh buổi lễ ký kết.IDMA cũng ký hợp tác chiến lược với Trường Đại học Tây Bắc để triển khai Nghiên cứu, chuyển giao, đào tạo, tập huấn kỹ thuật và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp mắc ca tại địa phương và vùng Tây Bắc.
Cây mắc ca được đưa vào Việt Nam từ hơn 20 năm nay, nhưng các hoạt động gia tăng liên quan cây mắc ca mới chỉ sôi động từ 2012. Một số ít doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào mắc ca ở các quy mô nhỏ, theo từng lĩnh vực khác nhau như sản xuất giống, chế biến, thương mại.
Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, cây mắc ca bắt đầu được chú ý và xuất hiện một số doanh nghiệp đầu tư vào loại cây này. Mắc ca cũng là một trong các loại cây thuộc diện được hỗ trợ của Nghị định 210/2013 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/2/2014. Theo Nghị định này, ”Các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”. Thực tế cũng cho thấy Nghị Định 210 tuy đã ra đời và đã có các thông tư hướng dẫn song để Nghị định này phát huy sức mạnh và hỗ trợ được sự phát triển của cây mắc ca trên thực tế vẫn còn một khoảng cách.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang bộc lộ khá nhiều vấn đề xung quang loại cây mới này tại Việt Nam. Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, trong hơn 2000 ha mắc ca đã được trồng tại Việt Nam có quá nửa là cây không rõ nguồn gốc. Những cây này có nguy cơ không ra quả hoặc sẽ cho năng suất thấp.
TS Nguyễn Trí Ngọc (nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) từng nhận định, trong số hơn 2000ha mắc ca hiện có trong cả nước, có đến phân nửa diện tích trồng bằng cây thực sinh và rất có thể sau từ 3-5 năm nữa, những cây mắc ca này sẽ phải loại bỏ vì không ra quả, hoặc ít quả.
Trên thị trường cây mắc ca giống, thực tế cũng cho thấy, chưa có một hàng rào chính thức nào từ các cơ quan quản lý để quản lý việc sản xuất loại cây này. Mặc dù giá lên tới 70 – 80 000 đ/cây nhưng khả năng kiểm soát để đảm bảo nông dân không mua phải cây kém chất lượng là rất thấp. Chính vì vậy rủi ro hiện nay cho nông dân trồng mắc ca một cách tự phát là rất cao.
Về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Phương TGĐ IDMA cho biết, IDMA rất sẵn sàng hợp tác với nông dân để trồng cây mắc ca đồng thời IDMA cũng sẵn sàng bao tiêu toàn bộ hạt, nhân mắc ca cho nông dân với điều kiện nhân và hạt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cho chế biến. IDMA đã bắt tay vào chế biến mắc ca từ hơn một năm qua và đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm khác nhau. Hiện nay bộ phận nghiên cứu sản phẩm của IDMA đang tiếp tục nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhiều sản phẩm chế biến sâu từ mắc ca có tác dụng chăm sóc sức khoẻ. Việc hợp tác với TPK Melaida Liên Bang Nga để sản xuất các sản phẩm nhắm tới thị trường Nga cũng là một bước đi quan trọng của IDMA để đảm bảo cam kết bao tiêu nhân và hạt mắc ca cho nông dân với giá tốt, đảm bảo hiệu quả cho người trồng mắc ca.
IDMA hiện đang hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 2.000 ha tại Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Bên cạnh đó IDMA cũng triển khai sản xuất cây giống với quy mô 250.000 cây/năm tại hai tỉnh nói trên. Trong kế hoạch 2015 – 2018 vừa được công bố, doanh nghiệp này cũng đang ráo riết chuẩn bị triển khai đầu tư nhà máy chế biến sâu với quy mô khá lớn và tập trung vào các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
PV