4 đơn vị phân bón Vinachem: Giảm lỗ ngoạn mục
Trong bối cảnh thua lỗ nhiều năm liền, bắt đầu từ quý I/2018, 4 nhà máy sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã nỗ lực giảm lỗ so với cùng kỳ bằng nhiều biện pháp: cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất tối đa. Đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ đồng, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc giảm lỗ 88,75 tỷ đồng, DAP – Vinachem giảm lỗ 53,501 tỷ đồng; DAP số 2 – Vinachem giảm lỗ 183,0 tỷ đồng.
Tín hiệu đáng mừng
Con số trên đã cho thấy một nỗ lực không ngừng và tín hiệu khả quan cho ngành phân bón Việt Nam. Trong báo cáo mới đây nhất của Vinachem về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ về 4 Dự án thuộc Tập đoàn quý I năm 2018 cho thấy: kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của cả 04 đơn vị đều tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ đồng so với quý I năm 2017. Công ty đã tổ chức chạy lại máy thành công và bám sát phương án SXKD đã báo cáo Tập đoàn và Ban Chỉ đạo Chính phủ. Thời gian chạy máy trong Quý I là 57 ngày, phụ tải trung bình hệ thống đối với sản xuất NH3 đạt khoảng 78%, sản xuất ure đạt khoảng 75%.
Tình hình tiêu thụ Quý I của Công ty có nhiều thuận lợi do đúng mùa vụ, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ ngay, lượng tồn kho không có, giá bán sản phẩm tăng.
Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình cũng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nguồn vốn lưu động; Tập đoàn Than Khoáng sản không bán than chậm trả mà phải thanh toán ngay khi nhận hàng dẫn đến sản xuất không ổn định gây lo ngại cho khách hàng khi ký hợp đồng mua sản phẩm.
Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng có nhiều tín hiệu tốt: doanh thu Quý I/2018 đạt 687,34 tỷ đồng, tăng 192,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, do lượng tiêu thụ tăng làm tăng doanh thu là 173,15 tỷ đồng, giá bán tăng (chủ yếu là giá NH3 tăng 820 đồng/kg) làm doanh thu tăng 19,1 tỷ đồng.
Sản lượng Urê tiêu thụ đạt 65.928 tấn, bằng 98,4% kế hoạch quý và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng NH3 thương phẩm đạt 23.144 tấn, bằng 119,9% kế hoạch quý và tăng 181,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì thế nên so với cùng kỳ, Đạm Hà Bắc cũng giảm lỗ 88,75 tỷ đồng. Cụ thể, trong Quý I năm 2018 Công ty lỗ 86,25 tỷ đồng (theo kế hoạch lỗ 162 tỷ đồng), giảm lỗ so với Quý I năm 2017 là 88,75tỷ đồng. Lý do chính là công ty đã giảm tối đa định mức tiêu hao, làm giảm chi phí nguyên vật liệu 17,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá phân bón ure cũng tăng (chủ yếu giá NH3 tăng 820 đồng /kg) làm giảm lỗ 19,1 tỷ đồng; giá than giảm làm giảm lỗ 20,5 tỷ đồng; phụ tải bình quân của dây chuyền cao (tính theo số ngày chạy máy) đạt 91,96%.
Công ty CP DAP – Vinachem cũng giảm lỗ 53,501 tỷ đồng so với quý I năm 2018. Sản lượng sản xuất DAP trong quý I năm 2018 đạt 98,05% so với cùng kỳ do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu NH3, Công ty phải nghỉ sản xuất gián đoạn mất 10 ngày.
Công ty CP DAP số 2 – Vinachem đa có một nỗ lực cao khi giảm lỗ ngoạn mục: 183,0 tỷ đồng so với quý I năm 2017. Các chỉ số cũng đều rất tốt so với cùng kỳ: sản lượng sản xuất DAP quý I/2018 đạt 57,187 tấn, tăng 247,5% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ đạt 60,903 tấn, tăng 232,4% so với cùng kỳ. Lỗ quý I/2018 chỉ còn 71,17 tỷ đồng. Con số này là 254,18 tỷ đồng trong quý I/2017. Đây có thể nói là một sự nỗ lực vượt bậc của công ty trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.
Tiết giảm chi phí hàng chục tỷ đồng
Ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết: Để có được con số giảm lỗ tích cực trong quý I năm nay, cả 04 đơn vị đều quyết tâm nỗ lực tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc tiết giảm chi phí được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, tổng tiết giảm chi phí SXKD Quý I năm 2018 của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 12,18 tỷ đồng. Trong đó, định mức tiêu hao than cám 4a.1 giảm 1,447% so với kế hoạch tương ứng 4,585 tỷ đồng; Định mức than cám 5a.1 tăng 0,169% so với kế hoạch, tương ứng với 2,78 tỷ đồng (do lên, xuống lò nhiều lần: 8 lần). Các đinh mức tiêu hao chính đều bằng và thấp hơn định mức kế hoạch. Thực hiện định mức tiêu hao Quý I năm 2018 tiết kiệm được 11,65 tỷ đồng so với định mức năm 2017).
Công ty CP DAP – Vinachem tiết giảm được 10,838 tỷ đồng. Trong đó tiết giảm chi phí vận chuyển quặng là 3,860 tỷ đồng, tiết giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu là 6,782 tỷ đồng. Công ty CP DAP số 2 – Vinachem tiết giảm được 4,78 tỷ đồng do giảm các định mức tiêu hao: Tiêu hao quặng apatit thấp hơn so với định mức kế hoạch; Tiêu hao axit sunfuric thấp hơn kế hoạch; Tiêu hao NH3 giảm 5% so với kế hoạch; tiêu hao P2O5 thấp; Tiêu hao chất tạo màu xanh thấp hơn so với kế hoạch; Tiêu hao chung điện, nước cho sản xuất giảm lần lượt là: 12% và 7% so với kế hoạch.
Có thể thấy, việc quyết tâm tiết giảm chi phí sản xuất đã được các đơn vị quán triệt và thực hiện rất hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, để không chỉ giảm lỗ mà còn có lãi, các nhà máy vẫn còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nhất là bài toán về vốn và bên cạnh đó là chính sách Luật số 71/2014/QH13. Chính sách thuế này đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Hiện tất cả các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem đều phải chịu chi phí thêm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng do Luật thuế này. Chính vì thế, các đơn vị đều kiến nghị Quốc Hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0 đến 5% thay cho quy định đang có hiệu lực “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra” như hiện nay. Ngoài ra, do khó nhất là về vốn nên các đơn vị cũng đề nghị được điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm; Khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019…
Nước ta là một nước nông nghiệp, nên việc chủ động nguồn phân bón trong nước, nhất là nguồn phân bón đang phải nhập khẩu như DAP là một việc rất cần thiết. Những con số giảm lỗ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho thấy các đơn vị đã và đang rất nỗ lực vực dậy, dù khó khăn vẫn chồng chất. Đó là tín hiệu cho thấy bức tranh sản xuất phân bón của Việt Nam đang khởi sắc hơn, và chúng ta có niềm tin hơn vào việc chủ động nguồn phân bón trong nước, nhất là phân bón DAP.
Phương Thúy