Youtube tiếp tục "ngó lơ" để nhãn hàng xuất hiện dày đặc trên kênh độc hại
(Dân trí) - Mặc dù được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cảnh báo về tình trạng gắn quảng cáo các video độc hại, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước trên Youtube nhưng tình trạng trên vẫn không suy giảm. Youtube vẫn tiếp tục gắn quảng cáo của 40 thương hiệu trên video độc hại.
Youtube vẫn thả cửa quảng cáo trên video độc hại
Chỉ 10 ngày sau khi Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử công bố 21 nhãn hàng thì tiếp tục đến ngày 19/6, Cục vẫn phát hiện thêm 40 nhãn hiệu khác bị gắn quảng cáo trên video xấu độc.
Theo thống kê của Cục, có 40 nhãn hàng mới vẫn đang quảng cáo trong các clip phản động này trong đó đáng chú ý như: Trường đại học Quốc tế Sài gòn, Trường đại học Thương mại, Đại học quốc gia Hà Nội,...
Cục PTTH&TTĐT yêu cầu các công ty này dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên Youtube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước. Đồng thời chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cục đề nghị các doanh nghiệp nêu trên gửi báo cáo giải trình về Cục trước ngày 27-6-2019.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ phối hợp với lực lượng an ninh và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Việc liên tiếp để quảng cáo xuất hiện dày đặc trên video độc hại cho thấy Youtube vẫn chưa có một giải pháp hiệu quả để bảo vệ các thương hiệu Việt Nam trên mạng xã hội video này. Đồng thời, bộ lọc quảng cáo của Youtube vẫn còn nhiều kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Youtube cần có trách nhiệm chung với cộng đồng
Trước đó, Cục PTTH&TTĐT đã công bố 21 nhãn hàng lớn bị xuất hiện trong các video độc hại, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước trên Youtube. Các nhãn hàng có tên trong danh sách 21 nhãn hàng đều cho biết, họ không chủ đích phát quảng cáo ở các kênh độc hại và đã tạm dừng quảng cáo trên Youtube.
Đại diện Huawei Việt Nam khẳng định, đơn vị này không chủ đích phát quảng cáo vào những kênh và clip có nội dung xấu độc trên môi trường truyền thông số.
Thực tế chỉ ra, các nhãn hàng không có bất cứ các công cụ để kiểm soát quảng cáo của mình trên các nền tảng như Youtube. Một đại diện nhãn hàng lớn trong nước cho biết, những quảng cáo được đặt ở Youtube đều do thuật toán của công ty này làm và nhãn hàng không thể kiểm soát nó sẽ được phát tại các video nào. Đây là thực trạng mà thời gian qua báo chí trong nước liên tục chỉ ra, các video chống phá nhà nước, các video xuyên tạc và những video giang hồ mạng được Youtube đặt quảng cáo vô tội vạ.
Đại diện phát ngôn của VNG cũng cho rằng, những điểm yếu trong cơ chế hiển thị quảng cáo ngẫu nhiên của YouTube và Google, bằng trách nhiệm của mình, tập đoàn này đã tự tổng hợp một danh sách “loại trừ quảng cáo” ra khỏi hàng trăm kênh có nội dung xấu. Danh sách này được tập đoàn này cập nhật liên tục và gửi sang đối tác quảng cáo/Google/YouTube thường xuyên. Nhờ vậy, thời gian gần đây, tần suất xuất hiện quảng cáo của sản phẩm PUBG Mobile trên các trang có nội dung xấu là rất ít.
"Tuy nhiên, do việc quản lý nội dung các kênh của Youtube còn nhiều bất cập, nên các kênh xấu độc mới vẫn mọc lên liên tục và với tốc độ rất nhanh. Bên cạnh đó, Youtube vẫn chủ động phân phối quảng cáo trên các Kênh có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu, của doanh nghiệp quảng cáo trên Google Ads Platform", đại diện phát ngôn VNG nhấn mạnh.
Thông tin mà VNG chỉ ra được xem là thực trạng hiện nay trên mạng xã hội video này. Các nhãn hàng hầu như ở vào thế bị động, trừ những doanh nghiệp lớn nhận thức được vấn đề, chuẩn bị các nguồn lực để có thể rà soát nội dung và đưa yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo ở các video độc hại. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ trong nước đều giao hết công việc quảng cáo cho Youtube với các thuật toán "muốn đặt đâu thì đặt", điều này gián tiếp tài trợ các kênh độc hại và có cơ hội bùng phát mạnh mẽ.
Một giám đốc marketing ở TPHCM nhận định, Youtube ngày càng buông lỏng kiểm duyệt và tài trợ gián tiếp chi phí cho người làm nội dung thông qua hình thức chia tiền doanh thu quảng cáo. Trong khi đó những nhãn hàng không biết quảng cáo của mình được đặt ở đâu mà phải phụ thuộc vào Youtube, muốn đặt vào đâu thì đặt. Chính những việc vung tiền vô tội vạ đã khiến cho những video độc hại, vi phạm liên tục được phát tán, bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Hệ luỵ khác là các kênh tương tự cũng sẽ mở để ăn theo.
Vị này cho rằng, Youtube cần có trách nhiệm trong sự việc này thay vì đổ lỗi như gần đây khi báo cáo gửi lên Bộ TT&TT rằng, rất nhiều nội dung vi phạm trên YouTube có nguồn gốc từ Việt Nam, chủ yếu do người dùng Việt Nam làm ra. "Nếu không có quảng cáo, tài trợ thì làm sao mà các kênh độc hại có thể sống sót. Với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo phải đảm bảo khả năng quản lý để giải quyết dứt điểm được tình trạng này, đẩy lùi những video độc hại. Youtube phải có trách nhiệm với cộng đồng khi kinh doanh tại Việt Nam", vị này nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, các nhãn hàng cũng cần có những hành động quyết liệt hơn trong câu chuyện này, chính những ngân sách quảng cáo đã nuôi sống một bộ phận kênh Youtube với định hướng lệch lạc, gây hệ lụy cho xã hội.
Trước đó, Cục PTTH&TTĐT cho biết, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Hai nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang chiếm hơn 70% doanh thu quảng cáo online ở Việt Nam, ước khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung trên Facebook và Google đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Gia Hưng