YouTube ngang nhiên dùng tiền của doanh nghiệp để "nuôi" kênh bẩn
(Dân trí) - Chi tiền để quảng cáo trên YouTube, nhiều doanh nghiệp đã phải nhận trái đắng khi phát hiện nội dung của họ hiển thị trên các video chứa nội dung bẩn, nhảm nhí.
Youtube hiện là trang web chia sẻ video trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là một kênh marketing được nhiều nhãn hàng, thương hiệu lựa chọn để quảng bá sản phẩm với người dùng Internet.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, đại diện nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng lớn cho biết họ không thể kiểm soát được quảng cáo của công ty sẽ xuất hiện trên những video có nội dung như thế nào.
Doanh nghiệp bị động khi quảng bá trên YouTube
Trong thời gian gần đây, những video chứa nội dung nhảm nhí, câu view xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm trên YouTube với từ khóa “troll”, người xem có thể dễ dàng tìm ra được hàng chục channel chuyên đăng tải các video có nội dung nhảm nhí. Không khó để nhận thấy, nội dung của các video trên những kênh YouTube này đều đi theo xu hướng phản cảm, gây tò mò hoặc tranh cãi.
YouTube trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung thông qua quảng cáo hiển thị trên mỗi video. Vì thế, nhiều YouTuber bất chấp tất cả chỉ để kiếm view. Những nội dung càng phản cảm, càng gây tranh cãi lại càng thu hút được nhiều người xem. Từ đó, lượng tương tác tăng lên, cơ hội xuất hiện quảng cáo trên video cũng tăng, kéo theo nguồn thu nhập tăng cao hơn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp không chủ đích đưa quảng cáo của họ hiển thị tại những kênh YouTube có nội dung nhảm nhí này. Google mới là công ty chịu trách nhiệm phân phối những quảng cáo đó.
YouTube cũng đưa ra một bộ nguyên tắc cộng đồng áp dụng cho những ai muốn kiếm tiền trên nền tảng của họ.
“Tất cả người dùng trên YouTube đều phải tuân thủ nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi. Những người sáng tạo tham gia kiếm tiền cần biết rằng các nguyên tắc của chúng tôi không chỉ áp dụng cho từng video mà còn áp dụng trên toàn bộ kênh”, nguyên tắc cộng đồng được YouTube đăng tải.
Tuy vậy, YouTube chưa thực hiện nghiêm túc việc lọc nội dung. Điều này khiến cho nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp vẫn xuất hiện trên các kênh có nội dung gây tranh cãi.
Đơn cử, video "Thử Thách Mạo Hiểm Drift..." được đăng tải trên kênh YouTube NTN Vlogs có chứa nhiều hành động nguy hiểm như trượt xe với tốc độ cao từ trên đèo xuống. Hành động này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ cũng như hành vi của người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, video này vẫn xuất hiện dày đặc các quảng cáo đến từ nhiều nhãn hàng lớn như Lazada, Shopee,....
“Việc quảng cáo của doanh nghiệp xuất hiện ở video nào được thực hiện theo thuật toán ngẫu nhiên của YouTube. Shopee không chỉ định hoặc chọn trước bất kỳ video nào cho mục đích quảng cáo”, đại diện Shopee chia sẻ với Dân trí.
Vị này cũng cho biết thêm rằng Shopee đang phải tự chủ động thực hiện rà soát và ngăn chặn quảng cáo trên các video chứa nội dung vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về tình trạng trên, đại diện truyền thông phía Lazada cũng có quan điểm tương tự.
“Vị trí và nội dung quảng cáo là do YouTube tự điều phối. Bất kì khi nào thấy những quảng cáo không phù hợp hiển thị trên các nội dung của mình, chúng tôi sẽ báo cáo để YouTube xử lý", đại diện Lazada nói với Dân trí.
Nhiều doanh nghiệp lớn từng rút quảng cáo khỏi YouTube
Trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng tẩy chay cách mà YouTube đang kiểm soát nội dung và phân phối quảng cáo trên nền tảng của họ. Thậm chí, một số ông lớn còn ngừng hợp tác với YouTube khi quảng cáo của họ bị gắn vào những video bẩn hoặc có nội dung không phù hợp với định vị thương hiệu của công ty.
Cuối năm 2017, tờ Bloomberg và Reuters đưa tin hàng loạt thương hiệu lớn bao gồm Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG đã đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube sau khi chúng xuất hiện trên những video có nội dung không phù hợp.
Trước đó, tháng 3/2017, chính phủ Anh cũng tuyên bố gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube vì lo ngại chúng sẽ xuất hiện bên cạnh những nội dung “không phù hợp”.
Đây được xem là một đòn giáng rất nặng với YouTube cũng như Google. Năm 2016, thị trường Anh mang về cho gã khổng lồ tìm kiếm 7,8 tỷ USD doanh thu, trong đó chủ yếu đến từ quảng cáo. Khi đó, để hạn chế tối đa ảnh hưởng, Google đã phải lên tiếng xin lỗi.
"Tôi muốn xin lỗi các đối tác bởi quảng cáo của họ đã xuất hiện trên những video có nội dung gây tranh cãi", Matt Brittin, Chủ tịch điều hành và kinh doanh khu vực EMEA của Google, chia sẻ trong sự kiện Advertising Week Europe ở London.