Xu hướng công nghệ và tiêu dùng của người Việt hậu Covid-19
(Dân trí) - Sóng gió do dịch bệnh gây nên không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu người dùng, đây còn là thách thức trong chiến lược phát triển của các công ty.
Năm 2021 chứng kiến khoảng thời gian giãn cách xã hội chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Dù dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề lên mọi mặt của nền kinh tế, nhìn theo cách lạc quan thì vẫn có những mặt tích cực diễn ra. Ví dụ, ở nhóm bán lẻ, đại dịch đã thúc đẩy hành vi tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số, đồng thời khuyến khích người dân mua sắm trên sàn thương mại điện tử nhiều hơn.
Nhu cầu mới của người dùng
Cũng trong bối cảnh đó, người ta cũng nhận ra vai trò quan trọng của những thiết bị công nghệ như laptop, smartphone. Không chỉ đơn thuần là công cụ giúp chúng ta kết nối, di động còn là phương tiện tích hợp gần như tất cả chức năng phục vụ cho đời sống tinh thần của người tiêu dùng: từ cách chúng ta làm việc đến giao tiếp, dù là tham dự hội nghị từ xa, chủ động sản xuất nội dung, đến trải nghiệm mua sắm những vật dụng cần thiết hoặc cập nhật về tình hình cuộc sống.
Trước những đòi hỏi trong nhu cầu học tập và làm việc tại nhà, một chiếc smartphone ở bình thường mới buộc phải có chức năng liên lạc ổn định, dung lượng pin bền bỉ cùng khả năng kết nối nhanh với mạng điện thoại 5G là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, nhu cầu về giải trí kỹ thuật số cũng dần gia tăng. Smartphone có màn hình độ phân giải cao, camera megapixel lớn cho cả việc tiêu thụ và sản xuất nội dung sáng tạo đã trở thành lựa chọn ưu tiên, đặc biệt là đối với người dùng thế hệ GenZ.
Và không chỉ có smartphone, nhiều thiết bị điện tử khác cũng góp phần tạo nên hệ sinh thái kỹ thuật số thông minh giúp trải nghiệm "ở nhà" diễn ra trơn tru, từ máy kiểm tra sức khỏe và nồng độ oxy, vật dụng gia đình thông minh như máy lọc không khí, nồi chiên không dầu, thiết bị điện tử đa kết nối - máy tính xách tay, điện thoại, loa.
Khi người tiêu dùng dần quan tâm hơn đến trải nghiệm công nghệ ngay từ những nhu cầu hàng ngày, họ cũng bắt đầu tìm hiểu để chuyển sang các thương hiệu có thể cung cấp tất cả giải pháp cần thiết.
Gian nan tạo anh hùng
Về phía các nhà sản xuất, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ số tự động hóa dữ liệu, họ không chỉ dồn sức cho cuộc đua smartphone mà còn phải sáng tạo để mở rộng hệ sinh thái công nghệ. Nỗ lực này là cần thiết cho không chỉ tham vọng bành trướng mà còn nhằm giữ vững vị thế của thương hiệu.
Trong năm 2021, Xiaomi là cái tên nổi bật với sự phát triển vững chắc trên thị trường. Để đạt được điều này, công ty đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, phủ sóng tên tuổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo nên hệ sinh thái công nghệ của riêng mình. Mạng lưới thiết bị lẫn dịch vụ của hãng liên kết chặt chẽ với nhau, trải dài từ phần cứng đến phần mềm.
Báo cáo thị trường smartphone toàn cầu hồi quý II năm nay từ Canalys cho thấy Xiaomi đã vươn lên vị trí thứ 2 với 17% thị phần, tăng trưởng 83%. Thậm chí có lúc, Xiaomi từng vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng với 17,1%. Đến quý III, dù thị phần chỉ còn 13,5% nhưng số lượng smartphone xuất xưởng của Xiaomi đứng vị trí số 1 tại 11 quốc gia và khu vực, nằm trong top 5 tại 59 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Đối với nhiều smartphone ra mắt trong năm nay, hơn một nửa là người dùng Xiaomi mới. Tính tới hiện tại, số lượng người dùng MIUI - hệ điều hành smartphone của Xiaomi - mỗi tháng đã vượt mốc 500 triệu, đánh dấu cột mốc quan trọng cho chiến lược "Smartphone x AIoT" của công ty. Chiến lược này đặt smartphone ở vị trí cốt lõi, là nền tảng cho mô hình kinh doanh của Xiaomi. Trong khi đó, AIoT - sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) với Internet of Things (IoT) - hoạt động xoay quanh smartphone để xây dựng hệ sinh thái sống thông minh, gia tăng phạm vi tiếp cận của Xiaomi.
Bất kể là cuộc đua sáng tạo hay doanh số, Xiaomi cũng cho thấy nỗ lực của mình. Khi toàn ngành công nghệ dần chậm lại vì thiếu chip cung ứng, Xiaomi vẫn cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới trong năm nay như Mi Band 6, Xiaomi Redmi 10, Xiaomi 11T Series 5G, Xiaomi Lite 5G NE, Xiaomi Flipbuds Pro, bên cạnh những sản phẩm gia dụng thông minh trong hệ sinh thái là Mi Air Purifier 3H, Xiaomi WiFi Range Extender AC 1200, Mi Smart Air Fryer 3.5L…
Các sản phẩm như TV, tủ lạnh, máy giặt sấy, âm thanh thương hiệu Xiaomi cũng không còn xa lạ với người dùng. Nhờ mức giá cạnh tranh, dải sản phẩm trải dài mọi phân khúc giúp người dùng không quá khó để tiếp cận.
Ngày nay, Xiaomi như một công ty internet hơn là hãng sản xuất smartphone đơn thuần. Trong đó, smartphone chỉ là cách để công ty đưa người dùng tìm đến các thiết bị AIoT của hãng. Từ đó làm nên công thức tiêu chuẩn cho việc phổ biến thiết bị thông minh. Thực tế, với những gì diễn ra trong năm 2021, có lẽ Xiaomi đã đúng.