Xây dựng chính phủ điện tử ở VN - ai chịu trách nhiệm?

Thực tế câu hỏi trên của ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, tại hội nghị lần thứ tư về chính phủ điện tử vừa được tổ chức tại Hà Nội, là điều mà nhiều năm qua các bộ, ngành, đơn vị vẫn tranh cãi.

Hiện tại việc triển khai chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược mang tầm quốc gia và dịch vụ hành chính công dừng lại ở mức cho ra mắt website, cổng thông tin của các bộ, ngành.

“Tôi chỉ thấy họp và họp mà chưa có hành động thực tế nào. Không có kế hoạch tổng thể xuyên suốt thì làm sao thực thi tốt được”, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM Lê Mạnh Hà than thở.

 

Từ năm 2001 đến 2005, các đề án tin học hóa hoạt động trong cơ quan Đảng, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đã được khởi động và triển khai giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thành tích được ghi nhận từ các chương trình này chỉ là con số thông kê 70% bộ, ngành và 80% tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã có website và cổng giao dịch điện tử.

 

Không thể phủ nhận đóng góp tích cực từ việc giảm tải các thủ tục hành chính bằng cổng giao tiếp trên mạng như việc cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp dệt may qua mạng của Bộ Thương mại, việc thông quan điện tử của Tổng cục Hải quan, chương trình vấn đáp trực tuyến định kỳ với dân của Bộ Tài Nguyên môi trường...

 

Thành phố Đà Nẵng được biết đến như một điển hình của việc áp dụng khá tốt các dịch vụ hành chính công điện tử. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông Đà Nẵng, cho biết cổng giao dịch thương mại điện tử của địa phương có thể giúp hàng trăm doanh nghiệp nắm bắt các thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Nhiều dịch vụ khác như đăng ký kinh doanh qua mạng, cấp phép xây dựng, thông tin trạng thái hồ sơ nhà đất, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ thông tin... cũng “chạy khá trơn tru”. Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận: “Những gì mà Đà Nẵng đạt được về tin học hóa công tác quản lý hành chính nhà nước chỉ là kết quả khiêm tốn. Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước không phải là vật trang sức của cơ quan công quyền mà nó là phương tiện để xây dựng một nền hành chính hiệu quả hơn, minh bạch hơn”.

 

Theo Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông Đà Nẵng, sự thành công bền vững của một chủ trương chính là những cam kết của lãnh đạo, xác định mục tiêu và kiểm soát việc thực hiện chúng trong hợp tác chặt chẽ của các thành phần để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đó chính là yếu tố quyết định trong xây dựng chính phủ điện tử.

 

Các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng việc triển khai chính phủ điện tử cần có sự nhìn nhận và đánh giá chuẩn ngay từ đầu. Không thể có chuyện thử giải pháp này, công nghệ kia nửa chừng, thấy không hợp lại bỏ dở quay sang cách khác và định hình lại từ đầu.

 

Thiếu một kế hoạch tổng thể về chiến lược ở tầm cỡ quốc gia về triển khai chính phủ điện tử đã khiến các bộ, ngành, tỉnh, thành, địa phương... ở VN trở nên lúng túng. Với những gì đã bày ra, dang dở thì tình trạng là “bỏ thì thương, vương thì tội”. 

 

“Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới là một cơ hội lớn để có thể đưa ra một lộ trình thống nhất và rõ ràng về chính phủ điện tử cũng như tận dụng những nguồn lực cho vấn đề. Chính phủ VN cần phải nắm bắt thời cơ này”, một đại diện của Microsoft nói.

 

Theo N.H.

VnExpress