1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

WiMax - Tương lai của công nghệ không dây

Sau khi chuẩn Wifi được công nhận và phát triển, PC cho tới PDA hay ĐTDĐ đã được tiếp thêm một sức sống mới. Nhưng nếu đi tìm một câu trả lời cho tương lai của công nghệ kết nối không dây, người ta đang đặt rất nhiều hy vọng vào WiMax.

Sức mạnh mới vượt qua Wifi

Nếu như Wifi là bước đi đầu tiên của công nghệ không dây thì đúng với tên gọi của nó, WiMax là phiên bản phủ sóng với diện rộng hơn của Wifi. Tên kỹ thuật của WiMax là 802.16, nó có thể đạt tới thông lượng tối đa là 70Mb/giây và tầm xa lên tới 50km so với 50m của Wifi hiện nay. Bên cạnh đó, một điểm vượt trội nữa là nếu Wifi cho phép truy cập ở những nơi cố định có thiết bị hotspot thì WiMax có thể bao trùm cả một thành phố hay nhiều khu vực rộng lớn như một mạng điện thoại di động.

 

Theo nhiều chuyên gia, WiMax không chỉ nâng cao sức mạnh công nghệ không dây mà nó còn thiết lập cách thức kinh doanh và phát triển mới của các hãng viễn thông. Vấn đề vẫn tồn tại với công nghệ không dây là các công nghệ mạng tầm xa đều do các công ty lớn làm chủ với những chuẩn bản quyền riêng. Hiện tượng này dẫn đến vấn đề là không một công nghệ nào được chấp nhận rộng rãi, vẫn có những biên giới bị thiết lập khiến việc sử dụng bị hạn chế đáng kể. Nhưng với WiMax, những "người khổng lồ" đã chọn cách cùng hợp sức với nhau để phát triển một chuẩn phổ thông chung dễ tiếp cận với người tiêu dùng và đẩy thị trường cũng như doanh thu của công nghệ này được mở rộng.

 

Điều không tránh khỏi khi triển khai công nghệ mới là hàng loạt những hạn chế, bất cập nảy sinh. Đầu tiên là vấn đề chi phí. Dù Hiệp hội WiMax Forum đã thắt chặt các chuẩn để giảm giá thành nhưng chi phí vận hành vẫn còn rất cao. Để thiết lập một mạng WiMax mang tính quốc gia ở Mỹ phải mất tới trên 3 tỉ đôla. "Các nhà điều hành mạng 3G đã phải chịu một khoản đầu tư quá lớn. Viễn cảnh bỏ thêm cả tỉ đôla nữa để bắt đầu với WiMax là điều không ai muốn chấp nhận", báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD giải thích.

 

Bên cạnh đó, nếu WiMax muốn thống trị công nghệ không dây trong tương lai, nó có hơn một đối thủ phải vượt qua. Tiêu biểu là mạng không dây 3G. Hiện nay công nghệ này đã có một vị trí sâu rộng trong đời sống của các quốc gia. Vì thế, theo Charles Giancarlos, giám đốc công nghệ của Cisco thì "chưa thể nói sớm về sự chung sống ôn hoà của WiMax và công nghệ 3G. Vấn đề không phụ thuộc vào các hãng sản xuất thiết bị mà người quyết định là những người cung cấp dịch vụ mạng".

 

Và các “đại gia” vào cuộc

 

Tuy vẫn còn quá nhiều vấn đề tồn tại nhưng tiềm năng của công nghệ này không làm chùn bước các hãng sản xuất lớn vào cuộc. Intel là người đi đầu trong phát triển công nghệ này. Với thế mạnh là những người hiểu rõ nền tảng di động từ tần số cho tới ứng dụng, các chuyên gia của Intel đã đưa ra con số 600 triệu USD cho dự án phát triển công nghệ WiMax. Lời nói đi kèm việc làm, đầu tháng 10 vừa qua họ đã công bố chip WiMax Connection 2250 băng cơ sở 2 chế độ đầu tiên của ngành công nghiệp thiết bị kết nối. Theo đó khi kết hợp với sóng radio băng thông rộng không dây 3 băng tần chuyên dụng của Intel, giải pháp này có thể hỗ trợ tất cả các tần số WiMax trên toàn cầu. Chip này xây dựng nền tảng cho WiMax cố định cũng như di động. "Là chip đầu tiên hỗ trợ hai chuẩn mạng, WiMax Connection 2250 sẽ giúp các nhà sản xuất phát triển những thiết bị tiêu dùng với mức giá ngày càng hấp dẫn, giúp nhà cung cấp dịch vụ có được hệ thống mạng với khả năng nâng cấp cao", Sean Maloney, phó giám đốc điều hành Intel, phát biểu tại Diễn đàn WiMax World 11/10.

 

Không bỏ lỡ cơ hội đó, hai hãng điện thoại di động khổng lồ Nokia và Motorola đều bắt tay với Intel để phát triển dòng sản phẩm hỗ trợ WiMax. Theo đại diện của hãng Nokia thì WiMax "giải quyết được hiện tượng truy cập thường bị "đóng băng" mỗi khi mạng di động bị nghẽn vì quá nhiều cuộc gọi và tin nhắn". Tuy nhiên cả Nokia và Motorola đều khẳng định họ vẫn phát triển song song hai dòng sản phẩm hỗ trợ WiMax và 3G.

 

Với sự mở rộng của công nghệ, các quốc gia bắt đầu vào cuộc. Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và đặc biệt là Việt Nam đã bắt đầu những thử nghiệm tại một số địa phương. Tập đoàn Softbank hợp tác với Motorola để thử nghiệm WiMax di động trên dải tần 2,5 GHz tại Nhật Bản từ tháng 9/2006. Trong khi đó một đợt thử nghiệm quy mô lớn cũng được thực hiện tại Nga. Hai hãng thiết bị công nghệ Avalcom và Aperto kết hợp với nhiều nhà cung cấp dịch vụ để thử nghiệm dự án tại nhiều khu vực như Moscow hay Siberia…

 

Từ tháng 7 tới tháng 12/2006, tập đoàn Intel, Công ty điện toán và truyền số liệu VDC và Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã phối hợp thử nghiệm Fixed WiMax 802.16 - 2004 Rev.d với tần số 3,3 GHz - 3,4 GHz tại 18 điểm ở Lào Cai (trường học, cơ sở y tế, bưu điện…). Dịch vụ được thử nghiệm là thoại và internet tốc độ cao có tổng chi phí 500.000 - 600.000 USD. Trong khi WiMax còn chưa chính thức được triển khai trên toàn thế giới thì bước đi này chính là sự đón đầu của chúng ta với kỷ nguyên công nghệ không dây.

 

Theo Thanh Minh

Sài Gòn tiếp thị