Vụ Note7 cháy nổ: Samsung bị nghi biết trước Note7 có thiết kế lỗi
(Dân trí) - Đang trong quá trình dọn dẹp những hậu quả của Note7 và chuẩn bị cho các thế hệ smartphone khác sẽ ra mắt trong năm 2017, thì mới đây Samsung lại vấp phải tin tức "tố" rằng hãng này đã biết được rủi ro của Note7, nhưng vẫn "liều" sản xuất và bán sản phẩm này.
Note7 chắc chắn là "hạn" lớn nhất của Samsung sau nhiều năm vận hành bộ máy khổng lồ, khiến công ty đánh mất nhiều tỷ USD.
Sau "cơn ác mộng" Note7 diễn ra thời gian qua, nhiều người có thể thắc mắc rằng tại sao nhiều công ty với thương hiệu thua kém Samsung, nhưng vẫn cho ra mắt hàng chục, hàng tá mẫu smartphone trong năm vừa qua mà không hề gặp phải sự cố nào. Trong khi đó, một "gã khổng lồ" trong lĩnh vực điện tử như Samsung lại vướng phải sự cố nghiêm trọng, dẫn đến hàng loạt thiết bị Galaxy Note7 gặp sự cố cháy nổ và phải thu hồi và sau đó là phải dừng hẳn bán và sản xuất.
Theo một đội ngũ kỹ sư phần cứng làm việc hoàn toàn độc lập, thì Samsung đã lường trước được vấn đề thiết kế tiếm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố trên Note7. Được biết, nhóm kỹ sư là những người phụ trách tìm hiểu nguyên nhân gây ra cháy nổ trên sản phẩm này bằng cách tháo rời từng bộ phận và đi sâu vào thiết kế bên trong. Theo họ, Note7 sở hữu một kiến trúc "siêu nguy hiểm", tuy nhiên công ty vẫn chấp nhận "liều lĩnh" sản xuất, và đã phải trả giá đắt.
Một cách ngắn gọn, Forbes sử dụng từ "nhồi nhét" để nói về cấu trúc bên trong của chiếc điện thoại, khiến cho các linh kiện và đặc biệt là pin chịu sức ép liên tục. Sức ép này khiến cho màng ngăn cách điện giữa điện cực dương và điện cực âm dễ dàng bị tổn hại. Khi điện cực âm và dương tiếp xúc với nhau, nó tạo ra nhiệt liên tục và gây cháy.
Hình ảnh kiến trúc bên trong Note7 do Instrumental chụp lại, cho thấy pin bị "ép chặt" nhằm tiết kiệm diện tích. Ảnh: Instrumental.
Ủy ban An toàn sản phẩm người tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) cũng từng đưa ra kết luận tương tự vài tháng trước đây, khi phát ngôn viên của họ nói rằng các chi tiết bên trong Note7 là "quá lớn" so với bộ khung của nó. Tờ WSJ cũng từng dẫn một nguồn tin bên trong của Samsung, cho rằng nỗ lực nhằm đánh bại iPhone 7 đã khiến sản phẩm Note7 chịu sức ép quá lớn, khiến nó phải "bứt phá mọi giới hạn" của chính mình, bao gồm sức mạnh phần cứng, các tính năng, và sự đổi mới.
Báo cáo này cũng trùng khớp với những gì mà nhóm Instrumental (một nhóm nghiên cứu độc lập) đã phát hiện ra với Note7. Các nhà nghiên cứu tại Instrumental tin rằng các kỹ sư của Samsung đã biết thỏi pin bị đặt quá chặt và các kỹ sư này cũng "đã thực hiện bước cân nhắc kỹ càng về sự nguy hiểm" và hy vọng rằng mình có đủ khả năng làm hạ tối đa mức độ rủi ro.
Những nhà nghiên cứu tại Instrumental cũng cho rằng dù Note7 có không cháy nổ thì lỗi thiết kế của Note7 cũng có thể dẫn đến việc pin bị trương phình.
Tuy nhiên, xét cho cùng, ý tưởng muốn vượt lên tất cả, và tạo ra sự đột phá của Samsung là một điều cũng đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường di động đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa như hiện nay. Samsung đơn thuần chỉ là đánh một canh bạc tiềm ẩn nhiều rủi ro, và thật đáng tiếc rằng họ đã thua.
Theo Forbes, Samsung đã bị thiệt hại 5,3 tỷ USD và tuột mất vị trí nhà sản xuất smartphone Android có lợi nhuận cao nhất vào tay Huawei trong quý vừa qua.
Nguyễn Nguyễn
Theo Forbes