Vụ bắt giữ phó chủ tịch Facebook tại Brazil gây tranh cãi

(Dân trí) - Phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Mỹ Latin đã bị cảnh sát Brazil bắt giữ vì Facebook không cung cấp thông tin về tài khoản WhatsApp liên quan đến một vụ điều tra buôn bán ma túy. Vụ bắt giữ đã gây nên những tranh cãi trong giới công nghệ nói chung và tại Brazil nói riêng.

Sự việc xảy ra vào thứ 3 (1/3) vừa qua, khi Diego Dzodan, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Mỹ Latin của Facebook, đã bị cảnh sát Brazil bắt giữ vì Facebook từ chối cung cấp thông tin của một tài khoản WhatsApp liên quan đến một vụ điều tra buôn bán má túy của cảnh sát Brazil.

Trước đó Facebook, chủ sở hữu của dịch vụ nhắn tin miễn phí WhatsApp, đã từ chối đề nghị cung cấp thông tin của cảnh sát Brazil vì cho biết công ty không lưu trữ nội dung tin nhắn trên máy chủ của hãng nên không có thông tin nào để cung cấp.

Diego Dzodan, Phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Mỹ Latin
Diego Dzodan, Phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Mỹ Latin

Bất chấp lời giải thích của Facebook, chính quyền Brazil vẫn đưa ra quyết định bắt giữ và tạm giam Phó chủ tịch Dzodan của mạng xã hội này với lý do cản trở công tác điều tra. Vụ việc đã gây nên rất nhiều tranh cãi tại Brazil, buộc một thẩm phán tại Brazil đã phải ra lệnh phóng thích Dzodan chỉ một ngày sau khi ông bị bắt giữ và thừa nhận hành động bắt giữ là “trái pháp luật”.

“Có vẻ như hành động bắt giam Diego Dzodan là hành động vội vã và cực đoan”, Thẩm phán Ruy Pinheiro cho biết. Ông cũng khẳng định rằng Dzodan không thể bị bắt giữ vì ông không bị điều tra hình sự.

Trong khi đó theo Frederico Meinberg Ceroy, Chủ tịch Học viện Luật Kỹ thuật số Brazil lại cho rằng cảnh sát đã hành động một cách thích hợp trong trường hợp này. Theo ông này, Facebook và WhatsApp là hai công ty công nghệ lớn đang không hợp tác với nhà chức trách Brazil trong điều tra vụ việc.

“Yêu cầu cung cấp thông tin ở Brazil được thực hiện một cách chu đáo và thường chỉ trong những trường hợp điều tra tội phạm nghiêm trọng như ấu dâm, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức”, Ceroy nhận xét. “Vì vậy, bạn không thể lấy lý do vi phạm quyền riêng tư hay lạm dụng... để từ chối đáp ứng yêu cầu”.

Về phần mình, Facebook đã lên án mạnh mẽ hành động bắt giữ Dzodan của chính phủ Brazil.

“Hành vi bắt giam Diego là một biện pháp cực kỳ không cần thiết và chúng tôi rất hài lòng khi thấy tòa án ban hành lệnh phóng thích anh ấy”, phát ngôn viên của Facebook cho biết về vụ việc. “Bắt giữ một người không liên quan đến một cuộc điều tra từ cơ quan chức năng là một bước đi bất thường và chúng tôi quan ngại về những ảnh hưởng đối với người dân Brazil và sự đổi mới của đất nước”.

WhatsApp là một trong những dịch vụ nhắn tin miễn phí trên Internet lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng trên toàn cầu. Facebook đã chi ra đến 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp vào năm 2014. Trước đó WhatsApp đã bị chặn tại Brazil trong một ngày vào tháng 12/2015 vì từ chối cung cấp thông tin trong một cuộc điều tra khác.

Sự việc xảy ra với Facebook một lần nữa cho thấy sự căng thẳng giữa các hãng công nghệ lớn với các cơ quan chức năng về vấn đề dữ liệu người dùng. Sự việc xảy ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi giữa Apple và FBI vẫn chưa có hồi kết khi mà Apple từ chối mở khóa chiếc iPhone 5C đã được mã hóa của một phần tử khủng bố mà theo FBI sẽ giúp có thêm những bằng chứng cho công tác điều tra.

T.Thủy