1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Vụ 14.000 số điện thoại bị nghe lén: Cần phải xem xét xử lý hình sự

(Dân trí) - Phát hiện chấn động của phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) và Sở Thông tin & Truyền thông về việc hơn 14.000 số điện thoại bị nghe lén, theo dõi đã khiến dư luận bức xúc và không khỏi lo lắng.

Đứng ở góc độ luật pháp, chia sẻ với PV báo Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, cho rằng cần phải bị phạt tù, và ít nhất cũng phải bị xử phạt hành chính những người chủ ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiểm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại.

- Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cung cấp phần mềm Ptracker chuyên theo dõi ví trí trực tuyến, thống kê, xem tin nhắn đi và đến, điều chỉnh chức năng ghi âm của 14.140 điện thoại?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng vụ việc này đã vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, vì xâm phạm đến quyền bí mật về thông tin, là một trong những quyền cơ bản của con người, đã được ghi nhận rõ tại khoản 2, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 như sau: “2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Điều luật cũng yêu cầu: "Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Nó còn nghiêm trọng ở chỗ là xâm phạm đối với một số lượng khách hàng rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều người và gây lo ngại cho xã hội.

- Xin ông cho biết, theo pháp luật, công ty Việt Hồng đã vi phạm vào điều luật nào? và mức độ xử phạt là bao nhiêu?

Hành vi này đã vi phạm khoản 3, Điều 6 về “Bảo đảm bí mật thông tin”, Luật Viễn thông năm 2009 “3. Thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena -

Hành vi đó, nhẹ nhất là bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 66 về “Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin”, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện” đối với hành vi “e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”

Trong trường hợp này, nếu xử lý hành chính như trên thì quá nhẹ, cần phải xem xét xử lý hình sự, vì có dấu hiệu vi phạm Điều 125 về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”, Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể khoản 1 của Điều luật này quy định: “1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 của Điều luật này, thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

- Với mức độ xử phạt thấp như vậy, theo ông Việt Nam có nên đưa thêm một điều luật đặc biệt nào đối với loại tội phạm công nghệ cao như thế này?

Cả chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với việc vi phạm bí mật thông tin của con người như trên là đều quá nhẹ, chỉ phù hợp với các vi phạm đơn lẻ đối với một vài người. Còn trường hợp vi phạm đối với rất nhiều người thì mức xử phạt như trên là chưa đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, không cần thiết phải quy định thêm tội mới đối với loại tội phạm công nghệ cao, vì việc vi phạm trong vụ việc này theo như báo chí phản ánh thì mới chỉ dừng lại ở việc “nghe lén” điện thoại. Đối với những hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực công nghệ cao, thì có thể bị xử phạt hình sự theo một loạt tội đã được quy định tại các Điều 224 - 226b của Bộ luật Hình sự như phát tán vi rút, gây rối, truy cập bất hợp pháp,… mạng thông máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Nếu như trong vụ việc trên, còn có hành vi sử dụng trái phép thông tin, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 226 của Bộ luật Hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”. Và mức hình phạt cao nhất đối với tội này có thể lên đến bảy năm tù.
- Xin cảm ơn ông!

Thông qua việc tạo ra, cài đặt, phát tán, duy trì phần mềm Ptracker, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiểm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại (điều khiển từ xa :tắt/bật 3G, tắt/ bật Wifi, bật/tắt chức năng ghi âm, chụp ảnh, quay video...); lấy cắp thông tin riêng để lưu giữ tại máy chủ. Mục đích là cung cấp cho khách hàng các thông tin riêng của người khác để thu lợi bất chính. Hoạt động này gây ảnh hưởng đến an toàn, bí mật thông tin riêng của người sử dụng điện thoại, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Thu lợi bất chính từ hoạt động này theo kết quả xác minh của Đoàn thanh tra tại VNPT ePay và một số Ngân hàng là khoảng trên 900.000.000 đ (trên chín trăm triệu đồng) trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2013 đến thời điểm thanh tra.

Khôi Linh