Võ lâm truyền kỳ sẽ không còn online?

Hàng trăm nghìn game thủ đang "lên ruột" vì những thông tin cho rằng game online Võ lâm truyền kỳ có thể không còn nữa. Thực hư thế nào?

Lẽ ra từ hôm 20/10 Công ty Vina Game phải ngừng cung cấp dịch vụ game online trên mạng Internet theo yêu cầu của đoàn thanh tra Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM.

Lý do: đoàn thanh tra này phát hiện Công ty Vina Game chưa có giấy phép OSP (cung cấp dịch vụ ứng dụng trên mạng Internet) do Bộ Bưu chính - viễn thông cấp; đồng thời công ty này cũng chưa được phép của Bộ Văn hóa - thông tin về việc đưa nội dung trò chơi lên mạng máy tính theo qui định hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay Vina Game vẫn cung cấp game Võ lâm truyền kỳ trên mạng bình thường.

Ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Vina Game, nói: “Cho đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Việc cung cấp dịch vụ game online cho người chơi vẫn không có gì thay đổi”. 

Cuối năm 2005: sẽ có game “made in VN”

Ông Trương Gia Bình, tTổng giám đốc Công ty FPT, cho biết cuối năm 2005, FPT sẽ phát hành game trực tuyến nhập vai hành động với tên mã dự kiến là “Chaos”. Với game Sơn Tinh Thủy Tinh, người chơi sẽ gia nhập trận chiến với vai trò một chiến binh, một pháp sư hoặc một… quái vật, họ sẽ là một nhân vật trong những trận chiến lớn. Thế giới và cốt truyện của game hoàn toàn giả tưởng với những chi tiết của thế giới thần thoại VN.

Theo ông Bình, ban đầu FPT sẽ phát hành những game phù hợp với văn hóa địa phương như game Bà Trưng, Bà Triệu, Thánh Gióng... Dự tính game Sơn Tinh Thủy Tinh sẽ có hai bản, một bản tiếng Việt và một bản tiếng nước ngoài để xuất khẩu.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thống nhất cách xử lý cũng như việc “hiểu các quy định hiện hành” liên quan trong lĩnh vực viễn thông Internet và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng.

Đoàn thanh tra Sở Bưu chính - viễn thông lập luận rằng game online là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet nên điều kiện cung cấp dịch vụ phải có giấy phép OSP do Bộ Bưu chính - viễn thông cấp. Nếu không có giấy phép này, theo qui định, đoàn thanh tra có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ ngưng ngay việc bán dịch vụ cho người sử dụng cho đến khi có giấy phép.      

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông Lê Nam Thắng  lại nói: “Theo nghị định 55, Bộ Bưu chính - viễn thông chỉ cấp phép OSP cho các đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet và viễn thông, nhưng game online không được coi là dịch vụ ứng dụng viễn thông mà chỉ là nội dung Internet nên không đủ điều kiện để được cấp phép OSP”. 

Ông Thắng cho rằng Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM đã hiểu sai vấn đề, và theo ông, Vina Game vẫn được tiếp tục cung cấp dịch vụ. Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM có gửi kiến nghị lên bộ và đã được Ban thanh tra của bộ trả lời chung quanh các vấn đề như đã đề cập, ông Thắng nói. Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng game online là một loại hình dịch vụ mới xuất hiện và chưa có trong luật. Do vậy, trước mắt chưa đặt vấn đề cấm kinh doanh dịch vụ này.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM nói cấp thẩm quyền vẫn chưa có ý kiến chính thức về kết quả của đoàn thanh tra Công ty Vina Game. Lãnh đạo sở đang xem xét tính pháp lý của việc cung cấp game online đối với Công ty Vina Game cùng những kiến nghị, kết luận của đoàn thanh tra.

Dự kiến trong vài ngày tới sẽ có kết luận thanh tra của Sở Bưu chính - viễn thông TPHCM về việc chấp hành pháp luật về dịch vụ viễn thông và Internet đối với Công ty Vina Game. Chưa biết số phận của Võ lâm truyền kỳ cùng hàng trăm nghìn game thủ rồi đây sẽ ra sao?

"Nếu cơ quan quản lý đề nghị ngưng, chúng tôi phải chấp nhận!". Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vina Game - đơn vị phát hành trò chơi trực tuyến Võ lâm truyền kỳ.

Ông Minh nói: Rất hi vọng mọi người hiểu về Vina Game, hiểu rằng chúng tôi không cố ý vi phạm pháp luật. Khi chuẩn bị ra đời chúng tôi đã tìm hiểu kỹ các thủ tục liên quan. Trong đó chúng tôi rất chú trọng các thủ tục liên quan đến nội dung giải trí của trò chơi. Chúng tôi đã xin phép Bộ Văn hóa - thông tin, Sở Văn hóa - thông tin và nội dung trò chơi cũng đã được thẩm định kỹ lưỡng. Liên quan đến lĩnh vực viễn thông, chúng tôi không biết trước yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước là như vậy, chứ không phải chúng tôi nhắm mắt làm ngơ...

Trước mắt Vina Game giải quyết vấn đề này như thế nào?

Cái khó là việc để được cấp giấy phép OSP viễn thông thì một doanh nghiệp phải có hai năm hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng công ty chúng tôi chỉ mới hoạt động khoảng một năm. Do đó để tháo gỡ vấn đề này, hiện nay Vina Game đang kết hợp với một doanh nghiệp khác có giấy phép kinh doanh OSP viễn thông để cùng hợp tác, nhằm đáp ứng những yêu cầu của Bưu chính viễn thông.

Vậy công ty nào có thể hợp tác cùng Vina Game?

- Hiện chưa có, chúng tôi đang tìm kiếm!

Nếu như Vina Game bị buộc ngưng cung cấp trò chơi thì quyền lợi của khách hàng, là các game thủ, sẽ được giải quyết như thế nào?

Hiện nay chúng tôi cũng đang nghĩ phương án này, làm sao để thuận lợi nhất cho người chơi và công ty. Chúng tôi mong được sự cảm thông của các cơ quan quản lý, giúp chúng tôi có thể giải quyết các vấn đề thuộc về thủ tục pháp lý để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và khách hàng của chúng tôi...

Theo Quốc Thanh – Thùy Minh - Nguyễn Phan

Tuổi trẻ