VoIP 178 - ‘ứng dụng OTT đầu tiên’ của Việt Nam thời độc quyền viễn thông
(Dân trí) - Từ dịch vụ viễn thông đầu tiên (VoIP 178) của Viettel, ngành viễn thông Việt Nam đã thay đổi đến mức những người dám nghĩ và dám thử của 20 năm trước cũng không thể tưởng tượng nổi.
Trong thời đại 4.0 ngày nay, dù có thể không biết thuật ngữ OTT là viết tắt của Over The Top thì cũng ít có ai lại không biết đến các ứng dụng OTT cho phép người dùng nhắn tin, gọi thoại, gọi video, chia sẻ nội dung… miễn phí như Zalo, Viber, Facebook,Skype, Telegram…
OTT thậm chí từng được gọi là đối thủ, lấy đi doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống. Thế nhưng thực tế, từ thời viễn thông còn độc quyền với giá cước cao ngất ngưởng, Việt Nam đã xuất hiện một “ứng dụng OTT” và nó đã tạo ra sự thay đổi không thể tưởng tượng, khởi đầu cho những cuộc cách mạng sau này của ngành viễn thông Việt Nam đó là VoIP 178.
VoIP là chữ viết tắt của Voice over Internet Protocol (gọi điện qua giao thức Internet). Phương pháp này tận dụng các thế mạnh sẵn có của hạ tầng cơ sở Internet để gọi tới bất kỳ đâu có Internet. VoIP có chất lượng thấp hơn so với quay số trực tiếp (IDD), nhưng giá rẻ hơn rất nhiều.
Sự ra đời của OTT thời độc quyền viễn thông
8 giờ kém 15 phút ngày 15/10/2000, VTV phát quảng cáo “178 - mã số tiết kiệm của bạn” đến với hàng triệu khán giả trên toàn quốc.
Hẳn những người có 2 thập kỷ theo dõi viễn thông Việt Nam vẫn còn nhớ mẫu TVC này“Với 60 giây, người ta làm được bao điều ý nghĩa. Với 60 giây, người ta cũng nói được bao điều. Viettel tặng bạn 60s cho mọi cuộc gọi qua 178 để bạn có thể nói những điều ý nghĩa nhất theo cách của mình”.
Nếu chỉ là một quảng cáo bình thường, ông Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ - sẽ không xúc động gọi đó là đêm lịch sử.
VoIP 178 của Viettel là dịch vụ điện thoại đường dài dùng để gọi liên tỉnh, quốc tế và tiết kiệm cước so với cách gọi truyền thống. Sử dụng rất đơn giản: Chỉ cần bấm thêm 178 trước cách gọi thông thường.
Dịch vụ VoIP 178 ra đời, đánh dấu mốc cho việc Viettel chính thức nhảy vào thị trường viễn thông kiểu mới, mở ra giai đoạn mà những người sống trên lãnh thổ Việt Nam có thể gọi đường dài với chi phí rẻ hơn trước kia. Nó cũng kết thúc cho cuộc chạy đua 254 ngày đêm mà các nhân viên của Viettel không ăn không ngủ để triển khai lắp đặt hạ tầng và thử nghiệm.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1998 khi ông Mai Liêm Trực ra nước ngoài tham dự Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương dành cho các nhà lãnh đạo viễn thông, bưu điện thế giới và biết đến VoIP. Khi đó, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn là thế độc quyền của VNPT. Điện thoại và cước viễn thông là thứ xa xỉ đến mức phải tính bằng… vàng. Sự đắt đỏ này đã hạn chế sự trao đổi và tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy e ngại.
Khi ông Mai Liêm Trực nêu ý tưởng về VoIP với các doanh nghiệp viễn thông trong nước (gồm VNPT, Viettel và SaiGon Postel) thì chỉ có Viettel thực sự để ý và bắt tay ngay vào nghiên cứu.
Ngày 3/2/2000, Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ký quyết định cho phép Viettel triển khai thử nghiệm dịch vụ 178, và đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép lúc bấy giờ.
Chỉ có hơn 2 tỷ đồng tiền vốn, các lãnh đạo của Viettel đã sử dụng phương án mua trả chậm thiết bị từ đối tác nước ngoài. Tiếp đó là một cuộc chạy thần tốc triển khai hạ tầng để đảm bảo thông đường dây vào ngày 15/10/2000, vận hành chính thức, cung cấp dịch vụ thử nghiệm.
Đánh trúng nhu cầu thị trường, dịch vụ VoIP 178 thành công bất ngờ và giúp Viettel hoàn vốn đầu tư chỉ trong một ngày.
Với hai đầu kết nối Hà Nội và TP HCM thông qua 4 luồng, trong thời gian đầu, tổng đài 178 của Viettel chỉ có thể kết nối đồng thời 120 cuộc gọi Bắc Nam. Nhưng từ kinh nghiệm triển khai tại Hà Nội và TP HCM, Viettel mở rộng dịch vụ 178 tới 62 tỉnh thành khác (lúc đó Hà Nội và Hà Tây chưa sáp nhập).
Sau 9 tháng đưa vào khai thác toàn mạng, VoIP 178 chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 7/2001.
Nguyên Chánh văn phòng Tập đoàn Viettel Phan Hữu Vinh nhớ rằng “mỗi ngày, người Viettel mở mắt ra đã có 3 tỷ đồng – con số lớn hơn cả vốn tích góp qua nhiều năm làm thuê của Viettel trước khi bắt đầu với 178”.
Đến năm 2004, Viettel ra đời dịch vụ di động với đầu số 098, khép lại “thời hoàng kim” dịch vụ 178 và mở ra ra một thời kỳ mới cho ngành viễn thông Việt Nam: cuộc cách mạng về di động. Ngày 1/1/2018, Viettel ngừng cung cấp dịch vụ gọi điện đường dài liên tỉnh và quốc tế theo phương thức quay số 178 trên thuê bao điện thoại cố định.
VoIP 178 đã làm nên điều gì?
Theo tiết lộ của lãnh đạo Tập đoàn Viettel, VoIP 178 đánh dấu việc Viettel chuyển từ làm thuê sang làm chủ, đem lại khoản vốn 10 triệu USD để công ty này đầu tư cho thông tin di động và trở thành bàn đạp cho bước nhảy vọt thần kỳ của Tập đoàn sau này.
Tuy nhiên - như ông Mai Liêm Trực có nói - đến người Viettel khi đó cũng không tưởng tượng được rằng VoIP 178 lại mở ra lịch sử mới cho viễn thông Việt Nam từ những cuốc điện thoại cố định đường dài giá thấp.
Sau Viettel, VNPT cùng Saigon Postel nhanh chóng xây dựng dịch vụ VoIP. Kỷ nguyên viễn thông giá rẻ cho mọi người nhanh chóng hình thành. Giá cước cuộc gọi đường dài trong nước và quốc tế giảm mạnh, từ mức 4.820 đồng/phút về 1.818 đồng/phút (với cuộc gọi trong nước) và từ 2,9 USD/phút xuống 0,5 USD/phút cho VoIP 171 và 0,048 USD/ 6 giây cho VoIP 178 (với cuộc gọi quốc tế).
Cũng giống như Viettel, VoIP đem lại doanh thu khổng lồ cho bất cứ công ty nào có được giấy phép triển khai. Chính vì thế, nó tạo nên thời đại tích luỹ vốn quan trọng của nhiều nhà mạng để từ đó, họ có đủ năng lực tài chính đầu tư cho hạ tầng và công nghệ mới, tiếp tục tạo ra sự thay đổi vượt bậc cho ngành viễn thông Việt Nam - nay đã trở thành thị trường có cước viễn thông thuộc top rẻ nhất thế giới.