VIETTEL và VAST hợp tác nghiên cứu công nghệ cao
Sáng 28/3/2017, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký thỏa thuận khung về hợp tác giai đoạn 2017-2021.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ vệ tinh, máy bay không người lái, công nghệ vật liệu, tự động hoá ... và đào tạo nhân lực về khoa học công nghệ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo của Viettel và VAST đã chỉ ra những dự án cụ thể mà hai bên có thể phối hợp thực hiện để sớm đưa ra phục vụ cho quốc phòng và dân sinh như hệ thống điều khiển giao thông thông minh, công nghệ vệ tinh, công nghệ năng lượng, công nghệ vật liệu đặc biệt. Các kết quả nghiên cứu, sản phẩm và thành tựu mà Viettel và VAST đã đạt được trong thời gian qua cũng cho thấy tiềm năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn của cả hai đơn vị là rất lớn.
Việc hợp tác giữa Viettel và VAST nhằm góp phần vào việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng. Đây là một bước nhằm hiện thực hoá chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc phát triển nền khoa học để Việt Nam có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Việt Nam muốn phát triển, muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì cần phải phát triển lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo. Là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, có tiềm lực tài chính, Viettel nhận trách nhiệm dấn thân vào con đường này.
Giáo sư Viện sĩ Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cùng chia sẻ tầm nhìn trong phương hướng phát triển của Viettel. Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông nói: “Viettel là Tập đoàn có tiềm lực rất lớn. Chúng tôi thì lại có mối quan hệ với rất nhiều chuyên gia đầu ngành của thế giới. Chính vì vậy, việc hợp tác sẽ giúp hỗ trợ hai bên cùng phát triển và mang lại nhiều kết quả khả quan”.
Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, Viettel đã đạt được nhiều bước tiến trong cả lĩnh vực nghiên cứu sản xuất cho quân sự và dân sự. Mới đây, Viettel đã công bố sản xuất thành công thiết bị viễn thông bao gồm cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB). Các hệ thống này đều đã được đưa vào vận hành trong mạng viễn thông của Viettel tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài. Với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel đã sản xuất được máy thông tin, rada, hệ thống quản lý và cảnh giới vùng trời, máy bay không người lái ... Lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao đã giúp Viettel có doanh thu hàng năm gần 10.000 tỷ đồng. Năm 2016, Viettel đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
PV