Việt Nam sẽ có xưởng chế tạo chip cỡ nhỏ trong tương lai
(Dân trí) - Với kí kết hợp tác về chương trình hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab), trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có xưởng chế tạo vi mạch bán dẫn mới với kích thước nhỏ gọn và linh hoạt.
Ngày 15/9/2015, tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab Development Association hay viết tắt là MINIMAL) về chương trình hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab). Đây là công nghệ chế tạo vi mạch mới mà các nhà khoa học và doanh nghiệp Nhật Bản đang phát triển.
Đây là một cơ hội rất lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh qua việc tiếp xúc với công nghệ chế tạo vi mạch bán dẫn mới dựa trên nền tảng công nghệ Minimal Fab mà Chính phủ và các nhà khoa học, tập đoàn vi mạch hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư nghiên cứu. Cũng như triển khai đề án phát triển vi cơ điện tử (MEMS) do Ủy Ban Nhân dân TP.HCM giao cho Khu Công nghệ Cao TP.HCM chủ trì theo quyết định số 1780/QĐ-UBND ngày 17/04/2015 về bổ sung các chương trình, dự án nhánh và một số nội dung của Chương trình Phát triển Công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020.
Ông Yasuyuki Harada, Chủ tịch Ban Quản lý Hiệp hội Phát triển Xưởng Cực Tiểu cho biết: “Minimal Fab là một hệ thống sản xuất vi mạch bán dẫn mới và nhỏ, chỉ cần 1/1.000 số tiền đầu tư cho một nhà máy thông thường. Điểm nổi trội nhất của hệ thống Minimal Fab đó là kích thước nhỏ, không cần đến phòng sạch mà vận dụng vào Công nghệ làm sạch Cục bộ (Localized Clean Technology) do chính chúng tôi nghiên cứu và phát triển. Với hệ thống này, các nhà sản xuất có thể chế tạo chip ngay trong những văn phòng làm việc. Đây chính là một công nghệ tân kỳ lần đầu tiên trên thế giới có thể giúp cho những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí manh mún, có thể trực tiếp tham gia vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao.”
Đặc biệt hơn, theo ông Yasuyuki Harada, công nghệ Xưởng Cực Tiểu hiện đang giai đoạn cuối của việc nghiên cứu và chế tạo để đưa công nghệ này ra thị trường và lần đầu tiên phía Nhật Bản chấp nhận cho phép các kỹ sư Việt Nam tham gia học tập để làm chủ công nghệ.
“Thật ra dây chuyền Xưởng Cực Tiểu này có kích thước nhỏ gọn cũng khoản chi phí đầu tư thấp, đều thích hợp với Việt Nam trong giai đoạn xúc tiến phát triển nền công nghiệp bán dẫn vi mạch. Tuy nhiên, nếu chưa có đủ kinh nghiệm về công nghệ bán dẫn vi mạch, thì mặc dầu thiết bị nhỏ gọn, hệ thống có ưu việt đến máy cũng không thể phát huy được thực lực của nó. Nói cách khác, vấn đề tiên quyết là phải đào tạo người.” Ông Yasuyuki Harada cho biết.
Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Đức Hoàng, Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đây là thành công bước đầu của nhóm nghiên cứu đề tài “ Nghiên cứu mô hình Xưởng cực tiểu phù hợp với tình hình phát triển khoa học và công nghệ thế giới hướng tới ứng dụng tại Việt Nam” thuộc Trung tâm R&D-Khu Công nghệ cao TP.HCM thực hiện do Ủy ban nhân dân TP.HCM đặt hàng trong Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020 và được Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM phê duyệt trong năm 2015.
Minimal Fab là một hệ thống có mức đầu tư thấp, dưới 5 triệu đô la Mỹ. Một con số rất nhỏ so với tiền đầu tư một dây chuyền sản xuất chip hiện nay trên thế giới là Mega Fab. Đồng thời, hệ thống này cho phép sản xuất chip đặc thù theo quy mô nhỏ với chủng loại chip linh động hơn, phù hợp cho thị trường Việt Nam. Trong khi với quy mô lớn như Mega Fab, trong sản xuất đòi hỏi chủng loại chip cố định hơn và phải sản xuất ở hàng loạt.
Với Minimal Fab sẽ giúp giải quyết cho bài toán nghiên cứu, đào tạo, phát triển sản phẩm vi mạch điện tử của trường, viện, doanh nghiệp. Từ đó có thể sản xuất nhiều loại Chip khác nhau, quy mô nhỏ, đặc thù cho quân sự, an ninh quốc phòng…”
Như vậy, theo nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu giữa Khu Công nghệ Cao TP.HCM và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu là phía đối tác Nhật Bản đồng ý tiếp nhận đào tạo 2 nghiên cứu viên trong vòng 01 – 02 năm tại Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng như chuyển giao các công nghệ về Minimal Fab cho Khu Công nghệ cao TP.HCM trong tương lai.
Quốc Phan