Việt Nam là thị trường quan trọng trên thế giới của Alibaba.com

(Dân trí) - Công bố Đối tác Uỷ Quyền thứ hai của trang thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam, gã khổng lồ đến từ Trung Quốc đang xem Việt Nam là thị trường quan trọng và trọng điểm trên thế giới.

Việt Nam là thị trường quan trọng trên thế giới của Alibaba.com - 1

Ông Nguyễn Khánh Trình, CEO CleverAds (bìa trái) và ông ông Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba.com.

 

Hôm nay, Công ty Cổ phần Quảng cáo Thông minh – CleverAds đã chính thức trở thành Đối tác Uỷ Quyền của trang web thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam. Đây là đối tác lớn thứ 2 của gã khổng lồ Trung Quốc tại Việt nam sau 4 năm hoạt động. Trước đó, công ty OSB là Đối tác Uỷ Quyền đầu tiên của Alibaba.com đầu tiên từ năm 2005.

Chia sẻ tại buổi họp báo công bố CleverAds trở thành Đối tác Uỷ Quyền của trang web thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Trình, CEO CleverAds cho biết: “Alibaba là một kênh giao thương rất hiệu quả với những công cụ hỗ trợ thương mại điện tử, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được tới người mua hàng đang có nhu cầu thực sự. Với mục tiêu đưa sản phẩm của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, CleverAds sẽ cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt các thông tin vô cùng hữu ích về thị trường cùng các kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các DN Việt Nam xuất khẩu được nhiều hàng hoá hơn”.

Tại sự kiện, ông Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba.com, cho biết, chính thức thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 4 năm trước, Alibaba luôn coi thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng và quan trọng trên thế giới. Do đặc thù của Việt Nam là thị trường xuất khẩu nên việc sử dụng trang Alibaba.com sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm các khách hàng lớn trên thế giới. Ông Thuỷ cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực sử dụng Internet để phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại, hiện nay Alibaba.com mới chỉ có 2% khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ của mạng thương mại điện tử này.

Nói về hình thức hợp tác giữa CleverAds và Alibaba.com, ông Nguyễn Khánh Trình cho hay, trang Alibaba.com là một kênh quảng bá rất hiệu quả, giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Để đưa các sản phẩm lên Alibaba.com, các doanh nghiệp sẽ mua các gói dịch vụ mà trang thương mại điện tử này đưa ra. Hiện tại Alibaba.com cung cấp dịch Global Gold Supplier (GGS), với 3 gói từ Premium (6.000 USD/năm), Standard (3.000 USD/năm) và Basic 1.400 USD/năm. Tuy nhiên, Alibaba đưa gói dịch vụ Basic chỉ có 1.000 USD dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, nói về khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt, ông Trình cho rằng nắm bắt được cơ hội tiếp cận với các đối tác lớn trên thế giới không dễ nhưng khi đã tiếp cận được rồi thì việc các doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Ông Trình kể lại: “Chúng tôi có một khách hàng làm về thực phẩm, đó là món dưa bao tử muối, doanh nghiệp này đã nhận được đơn hàng từ siêu thị Walmart của Mỹ. Tuy nhiên, đơn hàng của Walmart quá lớn, doanh nghiệp này dù đã bổ sung thêm nhân lực và nhà máy nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Điều đáng tiếc xảy ra là doanh nghiệp này đã không thể ký kết hợp đồng lớn này chỉ vì khả năng cung ứng thấp”.

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong việc đưa sản phẩm ra nước ngoài. “Các doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn trong việc bán hàng. Nếu muốn giao thương trên thế giới, họ phải đi tới các hội chợ để gặp gỡ và trao đổi với các đối tác”, ông Trình nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương, giá trị mua hàng trực tuyến tại Việt Nam đạt 145 USD/người/năm, doanh thu năm 2014 đạt gần 3 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành kênh giao thương xuất khẩu quan trọng như vậy, rất nhiều doanh nghiệp Việt hiện có nhu cầu ngày càng tăng về các ỹ năm ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu.

Khôi Linh