Việt Nam khó xem mưa sao băng Song tử ngày 14/12
(Dân trí) - Mưa sao băng Song tử - Geminids là trận mưa sao băng được chờ đợi nhất trong năm dự kiến cực điểm sẽ diễn ra vào khoảng 12h00 UT ngày 14/12, tức 19 giờ ngày 14/12 (giờ Việt Nam, theo dự báo của IMO).
Mưa sao băng Song tử luôn đứng đầu trong các đợt mưa sao băng của năm bởi độ rực rỡ cũng như về độ tin cậy (tần suất sao băng) của nó. Thời gian diễn ra hằng năm của trận mưa này vào khoảng từ ngày 4/12 - 17/12.
Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ vật thể 3200 Phaethon, mà các nhà khoa học tin rằng vật thể này chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình của nó và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài. 3200 Phaethon trong quá khứ di chuyển cắt ngang qua quỹ đạo của Trái Đất và để lại một dải đá bụi. Mưa sao băng Geminids sẽ diễn ra hằng năm, khi hành tinh của chúng ta định kỳ trong khoảng thời gian đầu tới giữa tháng 12 di chuyển qua dải đá bụi kể trên.
Theo anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM cho biết: “Trận mưa sao băng Geminids năm nay (theo dự báo của IMO) dự kiến đạt cực điểm vào lúc 19 giờ ngày 14/12 và thời điểm quan sát tốt nhất ở nước ta là vào đêm 13, rạng sáng ngày 14/12. Tần suất sẽ là 50/100 vệt giờ, và trong điều kiện quan sát lý tưởng, tần suất có thể lên tới 120 vệt/giờ (theo IMO).
Tâm điểm quan sát: thuộc chòm Song Tử - Gemini (chòm sao Song Tử mọc dần từ hướng Đông vào khoảng 20h và lên cao dần khi đến gần sáng, các bạn hãy dùng ảnh minh họa phía dưới, với chòm sao Orion rất dễ nhận biết trên bầu trời mùa đông với 3 ngôi sao thẳng hàng ở thắt lưng để xác định vị trí của chòm sao Song tử- Gemini). Chúng ta có thể bắt đầu quan sát từ khoảng 22h khi tâm điểm đã lên khá cao cho tới rạng sáng, tuy nhiên từ sau 0h ngày 14/12 Mặt Trăng mọc dần lên từ chân trời đông cũng cản trở khá nhiều khả năng quan sát các vệt sao băng.”
Tuy vậy, anh Duy cũng cho biết thêm, việc xem mưa sao băng Song tử trong thời gian này ở Việt Nam sẽ là rất khó khăn bởi chúng ta đang chịu ảnh hưởng trực tiếp khi siêu bão Ruby đang tiến vào biển Đông với diễn biến khó lường, cộng thêm dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương rằng sẽ có đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn về nước ta ngày 11-12/12 nên thời tiết đóng vai trò quyết định trong việc quan sát.
Cũng theo anh Duy, mưa sao băng Geminids được quan sát đầu tiên từ năm 1862, nhưng với tần suất vài chục vệt, thấp hơn hiện nay khá nhiều. Chúng ta chỉ cần dùng mắt thường để có thể quan sát được các vệt sao băng. Cực điểm diễn ra mưa sao băng Geminids là trong thời gian mùa đông nên người quan sát cần chuẩn bị đầy đủ đồ giữ ấm, cần chọn vị trí trống trải, tránh các tòa nhà cao tầng. Hãy chuẩn bị trước 1 bản đồ để nhận biết chòm sao Song tử (Gemini) hay theo hình vẽ để xác định nơi tâm điểm xuất phát của trận mưa sao này.
Người xem cần lưu ý tránh xa ánh sáng từ thành phố càng tốt, bởi ô nhiễm sáng và bụi sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng quan sát được vệt sao băng. Hãy kiên nhẫn quan sát, với tầm nhìn bao quát quanh vùng trời có chứa chòm sao Gemini, nơi có tâm điểm xuất hiện của trận mưa sao này. Nên để mắt bạn thích nghi với bóng tối trước khi quan sát khoảng 20 phút. Khi chòm sao Gemini chứa tâm điểm càng lên cao, khả năng quan sát các vệt sao băng càng nhiều. Lưu ý không phải mưa sao băng là bạn thấy sao băng nhiều như mưa, , sẽ có lúc bạn thấy rất nhiều sao băng, nhưng cũng có một lúc lâu bạn sẽ không quan sát được sao băng nào cả.
Quốc Phan