Việt Nam hút nguồn vốn FDI chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách FDI thuận lợi và hiệu quả về chi phí nhân công.

Việt Nam hút nguồn vốn FDI chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ - 1

Với tổng kinh phí đầu tư 6 triệu USD, Trung tâm sản xuất giải pháp phân phối điện hiện đại tại Việt Nam của Tập đoàn ABB vừa được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh.

Trung tâm sản xuất giải pháp phân phối điện hiện đại tại Việt Nam vừa được Tập đoàn ABB đưa vào hoạt động tại Bắc Ninh. Trước đó, không chỉ những nhà đầu tư quen thuộc như Samsung tiếp tục rót thêm vốn đầu tư mà ngay cả các nhà cung ứng liên quan đến Apple cũng bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Với những tích hiệu tích cực này, nhiều chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện là yếu tố thu hút đầu tư FDI chất lượng cao trong thời gian tới.

Ông Alessandro Palin, Phó chủ tịch Tập đoàn ABB cho biết Hệ thống nhà máy mới được xây dựng theo chuẩn chứng nhận quốc tế về công trình xanh LEED, trong đó vật liệu lợp mái được đảm bảo có khả năng dẫn nhiệt và thu gom lượng mưa tối ưu, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về quản lý chất lượng không khí cùng khả năng lắp đặt các tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời. Theo kế hoạch, khoảng 50% sản lượng của nhà máy được tiêu thụ nội địa và 50% phục vụ xuất khẩu, tới các thị trường Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…

Khi đi vào hoạt động, trung tâm sản xuất mới sẽ có thể đạt công suất đưa ra thị trường 2000 tủ điện trung thế và 700 giải pháp hợp bộ sẵn sàng vận hành phục vụ cho phân phối điện năng hàng năm, trong đó, toàn bộ dây chuyền sản xuất được thiết kế và lắp đặt tinh gọn, tương tự như hệ thống đang được ứng dụng tại Châu Âu.

Việt Nam hút nguồn vốn FDI chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ - 2

Toàn cảnh nhà máy vừa được Tập đoàn ABB đưa vào hoạt động.

Ông Ivo Sieber - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam: "Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi nhờ Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, môi trường kinh doanh thông thoáng, với các chính sách ưu đãi đầu tư cho các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài như ABB đầu tư sản xuất, kinh doanh, gắn bó lâu dài tại Việt Nam".

Tính đến cuối năm 2021, đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Sĩ vào Việt Nam đạt 1.8 tỷ, đưa Thụy Sĩ trở thành một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn hơn tại nước này.

Một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại khi rót tiền vào thị trường Việt Nam là đồng tiền Việt ổn định so với các đồng ngoại tệ khác. Hơn nữa, thế mạnh của Việt Nam là đã tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo lợi thế trong hoạt động thương mại để đẩy mạnh XK giúp Việt Nam có thêm "điểm cộng" trong mắt các DN đầu tư nước ngoài (FDI).

Để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn hơn, bền vững hơn, giá trị cao hơn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ trước đó, sau 7 lần điều chỉnh vốn đầu tư dự án đã nâng lên mức 1,35 tỉ USD, đầu năm 2022 Samsung đã quyết định tăng vốn đầu tư dự án tại Thái Nguyên thêm 920 triệu USD.

Trước đó, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã quyết định xây nhà máy mới của LEGO tại Bình Dương với có tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD. Ngay cả các nhà cung ứng liên quan đến Apple cũng bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Điều này cho thấy, dù đại dịch đã phần nào khiến quá trình này bị gián đoạn, sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách FDI thuận lợi và hiệu quả về chi phí nhân công.

Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài dự báo, dòng vốn FDI vào VN năm 2022 ít nhất tăng trưởng 10% so với năm 2021.