Việt Nam giảm mạnh tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm
(Dân trí)- Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92% năm 2004) xuống còn 81% ( năm 2011), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm.
Đó là thông tin được đưa ra tại kỷ niệm 5 năm Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình Hợp tác Bảo vệ Bản quyền Chương trình Máy tính do Cục Bản Quyền Tác giả Việt Nam - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch , Liên minh phần mềm BSA vừa tổ chức.
“Trước đây, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách này. Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92% năm 2004) xuống còn 81% ( năm 2011), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam hiện nay vẫn là 81%, trong khi tỷ lệ vi phạm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 60%.”- Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA nói.
Nhìn nhận thực tế, ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Cục Trưởng- Cục Bản quyền tác giả Việt Nam khẳng định: Phía Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung trong Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ bản quyền tác giả chương trình máy tính đã ký kết cách đây 5 năm. Các chương trình tăng cường nhận thức về bản quyền phần mềm thông qua các chiến dịch tuyên truyền nhắm tới các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân sẽ tiếp tục được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài là giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam xuống bằng tỷ lệ trung bình của khu vực.
“Chỉ tính riêng năm 2013 tính đến tháng 8/2013, chúng tôi đã thanh tra 64 doanh nghiệp, kiểm tra 3958 máy tính , với số tiền xử phạt là gần 1,3 tỷ đồng; số tiền doanh nghiệp mua phần mềm có bản quyền đạt hơn 11 tỷ đồng ( tương đương với 537 nghìn đô la Mỹ)”- ông Hoan chia sẻ. Một nghiên cứu mới đây của BSA cho biết tại Việt Nam, cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu đô la giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu đô la có được từ việc tăng tương tự đối với phần mềm lậu - có nghĩa là sử dụng phần mềm có bản quyền sẽ làm cho giá trị kinh tế tăng thêm được 50 triệu đô la.
Được ký kết 26/8/2008, Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong bảo hộ tác quyền phần mềm ở Việt Nam đã đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chính phủ Việt Nam với các hiệp hội quốc tế nhằm khởi xướng các chương trình hành động hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam.
Phạm Thanh