Vì sao Viettel lại chọn băng tần có giá cao khi đấu giá?

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Mức giá khởi điểm khi đấu giá của băng tần 2.500-2.600 MHz mà Viettel vừa trúng thầu là gần 4.000 tỷ đồng, cao gấp đôi mức khởi điểm của 2 băng tần được đem đấu giá sau đó là 3.700-3.800 MHz và 3.800-3.900 Mhz.

"Băng tần vàng"

Trong số 3 khối băng tần cho 5G được đem đấu giá, 2.500-2.600 MHz là dải tần số thấp nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà mạng sử dụng băng tần này phủ sóng sẽ có diện tích rộng hơn.

Theo tính toán kỹ thuật, băng tần 2.500-2.600 MHz sẽ đi xa hơn 1,3 lần so với 2 khối băng tần 3.700-3.800 và 3.800-3.900 MHz về bán kính phủ sóng. Còn nếu tính về diện tích phủ sóng (do sóng di động phủ theo hình tròn) thì sẽ gấp 1,69 lần.

Hiểu một cách đơn giản thì với trạm phát sóng 5G có cùng công suất, 100 trạm của Viettel với băng tần này sẽ bằng diện tích phủ sóng của 169 trạm của nhà mạng khác với băng tần 3.700-3.800 và 3.800-3.900 MHz.

Vì sao Viettel lại chọn băng tần có giá cao khi đấu giá? - 1

Băng tần 2.500-2.600 MHz sẽ dùng được cho cả mạng 4G nên hiệu quả sử dụng cao hơn nhiều, đặc biệt là khi 4G vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" trong nhiều năm tới đối với nhà mạng.

Điểm đặc biệt nữa của băng tần này là sử dụng được cả cho mạng 5G và 4G, trong khi đó những băng tần kia chỉ sử dụng được cho 5G. Với quốc gia mà 4G đang sử dụng phổ biến nhất và sinh lời, còn 5G mới ở giai đoạn thử nghiệm và chuẩn bị khai thác thương mại như Việt Nam thì một băng tần "lưỡng dụng" sẽ giúp tạo hiệu quả ngay lập tức.

Với Viettel, mạng di động có quy mô khách hàng 4G lớn nhất Việt Nam (gần 40 triệu) và đang gặp vấn đề thiếu băng tần 4G ở khu vực đô thị lớn thì có thêm băng tần 2.500-2.600 MHz sẽ ngay lập tức giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh.

Băng tần 2.500-2.600 MHz không chỉ cho chạy cả công nghệ 4G và 5G mà còn có thể tùy ý cấu hình thiết bị dành cho 4G hay 5G theo tỷ lệ do nhà mạng thiết lập ở từng địa điểm. Do vậy, nếu dùng băng tần 2.500-2.600 MHz, hiệu quả của thiết bị sẽ được tối ưu.

Ba lý do về mặt kỹ thuật nêu trên khiến khối băng tần 2.500-2.600 MHz được mệnh danh là "băng tần vàng" và có giá đấu khởi điểm cao gấp đôi 2 khối băng tần còn lại (gần 4.000 tỷ đồng so với gần 2.000 tỷ đồng).

Giá trị so sánh đặc biệt của "băng tần vàng" với Viettel

Bên cạnh các đặc tính về mặt kỹ thuật khiến khối băng tần 2.500-2.600 MHz có giá trị cao hơn, quy mô và thị phần của một nhà mạng cũng khiến việc xác định giá trị của "băng tần vàng" của mỗi nhà mạng cũng khác nhau.

Chỉ tính riêng việc sử dụng cùng một băng tần cho 5G, nhà mạng sử dụng băng tần cho hàng chục nghìn trạm thu phát sóng sẽ cho hiệu quả khác hoàn toàn với một nhà mạng khác chỉ dùng với vài trăm hay vài nghìn trạm. Việc sử dụng cho 1 triệu người dùng sẽ có chi phí hoàn toàn khác với cho vài nghìn người.

Nhìn vào việc triển khai thử nghiệm 5G trên quy mô nhiều tỉnh thành của Viettel có thể thấy chi phí trên mỗi trạm thu phát sóng 5G và cho mỗi người dùng 5G sẽ ở mức thấp. Cùng với việc có được "băng tần vàng", chi phí này lại càng thấp hơn nữa, giúp hiệu quả kinh doanh gia tăng.

Với thị phần di động giữa các mạng đang chênh lệch lớn như hiện nay (vị trí số 1 gấp 2,5 lần vị trí số 2 và hơn 3 lần so với vị trí số 3) ngay cả khi có cùng một băng tần và cùng mức giá trong 15 năm thì tỷ trọng sử dụng hiệu quả cũng sẽ chênh nhau vài lần. Nói cách khác, giá trị của một tần số sẽ rất khác nhau, phụ thuộc vào tính chất, thị phần và quy mô triển khai của nhà mạng. Đây là lý do mỗi nhà mạng sẽ phải chọn tần số phù hợp nhất với mình.

Đại diện Viettel cho biết, khi triển khai thương mại trên diện rộng, số lượng trạm 5G sẽ không thể ít hơn số trạm 4G hiện tại. Nhu cầu sử dụng 5G tại khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà máy thông minh… được dự báo rất cao thì số trạm còn lớn hơn nhiều để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Khi quy mô trạm 5G càng lớn, chi phí băng tần cho mỗi trạm sẽ càng nhỏ và hiệu quả sẽ càng cao.