Vì sao Trung Quốc lắp đặt trung tâm dữ liệu khổng lồ dưới đáy biển?

T.Thủy

(Dân trí) - Trung Quốc sẽ lắp đặt một trung tâm dữ liệu khổng lồ với khối lượng lên đến 130.000 tấn dưới đáy biển. Mục đích của Trung Quốc đằng sau hành động này là gì?

Trung tâm dữ liệu là hệ thống cơ sở vật chất chứa các máy chủ, thiết bị máy tính, hệ thống viễn thông, thiết bị lưu trữ… Trung tâm dữ liệu được sử dụng để lưu trữ, xử lý dữ liệu và cung cấp các dịch vụ trực tuyến thông qua các máy chủ và hệ thống viễn thông.

Trung tâm dữ liệu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống ngày nay, khi internet và các dịch vụ trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Một trong những thách thức lớn nhất khi xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu đó là hệ thống làm mát. Các trung tâm dữ liệu phải được cung cấp một hệ thống làm mát với công suất cực lớn để giúp hạ nhiệt các thiết bị điện tử hoạt động liên tục đặt bên trong trung tâm dữ liệu.

Nhiều trung tâm dữ liệu được xây dựng sát bờ biển, cùng hệ thống làm mát bằng nước biển, giúp tận dụng nguồn nước biển vô giá.

Một mô-đun của trung tâm dữ liệu khổng lồ được Trung Quốc nhấn chìm xuống đáy biển (Ảnh: Tang Fei).

Một mô-đun của trung tâm dữ liệu khổng lồ được Trung Quốc nhấn chìm xuống đáy biển (Ảnh: Tang Fei).

Trong khi đó, Trung Quốc có tham vọng còn lớn hơn như vậy, khi xây dựng một trung tâm dữ liệu khổng lồ bên dưới đáy biển và có thể được làm mát tự nhiên bằng nước biển mà không cần phải lắp đặt thêm hệ thống làm mát.

Mới đây, Trung Quốc đã lắp đặt thành công mô-đun đầu tiên của trung tâm dữ liệu dưới đáy biển ở độ sâu 35m, ngoài khơi huyện Lăng Thủy (tỉnh Hải Nam). Mô-đun này nặng 1.300 tấn, chứa hệ thống máy chủ với khả năng xử lý tương đương 60.000 máy tính truyền thống, có khả năng xử lý hơn 4 triệu bức ảnh độ phân giải cao chỉ sau 30 giây.

Dự tính, 100 mô-đun như vậy sẽ được nhấn chìm xuống đáy biển, tạo thành một hệ thống trung tâm dữ liệu nặng 130.000 tấn.

Sau khi lắp đặt hoàn thành, trung tâm dữ liệu này có khả năng xử lý tương đương 6 triệu máy tính cá nhân cấu hình cao, không chỉ đóng vai trò là nơi lưu trữ dữ liệu, mà còn hoạt động như một siêu máy tính, đáp ứng các công việc nghiên cứu khoa học, dự báo thiên tai…

Nước biển sẽ đóng vai trò hệ thống làm mát, giúp tiết kiệm năng lượng để duy trì hoạt động cho trung tâm dữ liệu này. Theo truyền thông Trung Quốc, nước biển sẽ giúp tiết kiệm 122 triệu KW giờ điện mỗi năm cho hệ thống làm mát của trung tâm dữ liệu này.

Dự kiến, đến năm 2025, trung tâm dữ liệu dưới đáy biển của Trung Quốc sẽ hoàn tất quá trình lắp đặt.

Mô hình trung tâm dữ liệu dưới đáy biển Trung Quốc đang xây dựng (Ảnh: CGTN).

Mô hình trung tâm dữ liệu dưới đáy biển Trung Quốc đang xây dựng (Ảnh: CGTN).

Trung tâm dữ liệu này được thiết kế để có thể hoạt động trong vòng 25 năm và có thể kéo dài thời gian dựa trên hoạt động thực tế. Tuy nhiên, nhược điểm của trung tâm dữ liệu nhấn chìm dưới đáy biển đó là không thể thay thế các linh kiện nếu xảy ra hỏng hóc hoặc không thể tiến hành bảo trì linh kiện phần cứng định kỳ.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trung tâm dữ liệu được nhấn chìm xuống biển để tận dụng nước biển cho hệ thống làm mát.

Trước đó, vào mùa thu năm 2018, Microsoft cũng đã nhấn chìm một trung tâm dữ liệu xuống độ sâu 35m ở ngoài khơi đảo Orkney (Scotland). Trung tâm dữ liệu này chứa 864 máy chủ và 27,6 PetaBytes bộ nhớ, quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với trung tâm dữ liệu dưới đáy biển mà Trung Quốc đang xây dựng.

Trong vòng 2 năm nằm dưới đáy biển, trung tâm dữ liệu của Microsoft hoạt động tốt và không gặp vấn đề nào về kỹ thuật. Hiện trung tâm dữ liệu này đã được Microsoft đưa lên bờ và công ty đang lên kế hoạch để xây dựng các trung tâm dữ liệu khác dưới đáy biển.

Các chuyên gia công nghệ cho biết việc xây dựng trung tâm dữ liệu dưới đáy biển không chỉ tận dụng nước biển để làm mát, mà nước biển còn có thể bảo vệ hệ thống máy móc khỏi các thiên tai như bão hay động đất. Đặc biệt, trung tâm dữ liệu dưới đáy biển sẽ giúp bảo vệ dữ liệu được tốt hơn, tránh nguy cơ bị kẻ xấu xâm nhập trực tiếp để phá hoại hoặc lấy cắp dữ liệu.

Theo CGTN/PCG