Venezuela: Phát hiện loài khủng long mới kích thước tương đương loài chó

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loài khủng long mới tại Venezuela, sau khi nghiên cứu mẫu xương hóa thạch có tuổi thọ 200 triệu năm.

Loài khủng long mới được đặt tên Laquintasaura Venezuela, do xương hóa thạch của loài khủng long này được tìm thấy tại vùng địa chất La Quinta Formation ở Venezuela. Các nhà khoa học khẳng định đây là loài khủng mới đầu tiên được tìm thấy tại phía bắc của Nam Mỹ.

Các chuyên gia tin rằng loài khủng long vừa được phát hiện đã sống trong Kỷ Tam Điệp (từ 200 đến 251 triệu năm trước), có kích cỡ tương đương một con chó và sống theo từng nhóm nhỏ. Đây cũng được xem là loài khủng long “hông chim” đầu tiên có cuộc sống theo bầy đàn. 

Loài khủng long thường được phân thành hai nhóm, đó là những lời khủng long hông thằn lằn và loài khủng long hông chim, với cấu tạo phần xương hông giống với loài chim. Một điều kỳ lạ là loài chim sau này lại được tiến hóa từ nhóm khủng long hông thằn lằn, thay vì nhóm khủng long hông chim.

Laquintasaura Venezuela có thể đi lại bằng 2 chân sau và ăn thực vật, các loài động vật nhỏ
Laquintasaura Venezuela có thể đi lại bằng 2 chân sau và ăn thực vật, các loài động vật nhỏ

Phân tích hóa thạch xương của loài khủng long này cho thấy chúng có tuổi đời từ 3 đến 12 năm và có khả năng bước đi bằng 2 chân sau. Những phân tích hóa thạch cũng cho thấy loài khủng long này phát triển mạnh trong khoảng thời gian 500.000 năm trước khi bị biến mất trên toàn cầu.

Có vẻ như Laquintasaura Venezuela là loài khủng long ăn cỏ, tuy nhiên chúng cũng có thể ăn một vài con mồi nhỏ khác do sở hữu những chiếc răng cong sắc nhọn trong hàm.

Tiến sĩ Paul Barrett, trưởng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài khủng long mới cho biết: “Luôn là một điều thú vị khi khám phá ra một loài khủng long mới. Laquitasaura có vẻ như đã xuất hiện rất sơm trong giai đoạn Kỷ Tam Điệp, cho thấy khủng long có dấu hiệu phục hồi trong giai đoạn này”.

Trong khi đó theo giáo sư Marcelo Sanchez-Villagra, đồng tác giả công trình nghiên cứu và là Cổ sinh vật học của Đại học Zurich (Thụy Sĩ) cho biết phát hiện về loài khủng long mới này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự phát triển của loài khủng long hông chim, vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá.

“Lịch sử sơ khai của nhóm khủng long hông chim vẫn còn rất chắp vá và rất ít lời trong số này được tìm thấy. Phát hiện mới này đóng một vai trò quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sự phát triển của nhóm khủng long hông chim nói riêng và loài khủng long nói chung”.

Kỷ Tam Điệp (Kỷ Trias) là một kỷ địa chất bắt đầu từ cách đây 250 triệu năm là kỷ đầu tiên của Đại Trung Sinh. Kỷ Trias bắt đầu sau khi sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi- kỷ Tam Điệp  diễn ra cách đây khoảng 251,4 triệu năm. Phải mất khoảng 25 triệu năm sau sự kiện tuyệt chủng này, sự đa dạng sinh học trên trái đất mới bắt đầu được phục hồi, những loài động vật có vú đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn kỷ Tam Điệp này.

T.Thủy
Tổng hợp