Ước mơ về một chiếc máy bay siêu nhẹ "made in Việt Nam"
(Dân trí) - "Nếu dự án thành công, máy bay siêu nhẹ sẽ giúp ích rất nhiều trong nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả cao” đó là lời nhận định của kỹ sư Bùi Hiển.
Kỹ sư ô tô Bùi Hiển
Tuy là ngày nghỉ chủ nhật (28/9), nhưng ông Bùi Hiển, một kỹ sư về ô tô đang sinh sống tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương vẫn cặm cụi vào niềm đam mê của mình quanh chiếc máy bay trực thăng mà ông đã sáng chế ra.
Tiếp chúng tôi, ông Hiển hào hứng kể về một hành trình gian nan để tạo ra một chiếc máy bay trực thăng như hiện nay, mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Ông cho hay:“Mình đam mê máy bay lắm, mình rất là thích, nhất là máy bay mô hình, nhìn họ bay mà mình rất thích! Nhưng ngày xưa không có điều kiện để mà chơi, bởi lúc đó cũng cơm áo gạo tiền, lo cho cuộc sống. Khi hai người con lớn và đã ra trường rồi thì mình mới có điều kiện để bắt tay vào niềm đam mê được ấp ủ từ bấy lâu nay”.
Từ chiếc máy bay mô hình
Bắt tay ngay cho đam mê ấy, ông Hiển bắt đầu “lân la” lên các diễn đàn, website chuyên về máy bay mô hình để nghiên cứu và tìm tòi… đồng thời gia nhập vào Câu lạc bộ Máy bay mô hình để cùng nhau trao dồi về kinh nghiệm trong lúc chơi. Tuy nhiên, sau gần 2 “ăn ngủ” chung với những chiếc máy bay mô hình được mua về, ông Hiển đã tiêu tốn một số tiền không hề nhỏ. “Thật sự chơi máy bay mô hình tốn kém lắm, tiền cứ ra hoài, nếu bay không chuẩn, va chạm dẫn đến hư hỏng và phải sữa chữa liên tục.” Ông Hiển kể lại thời gian đầu tiên tiếp cận với máy bay mô hình.
Dù là ngày nghỉ nhưng ông vẫn cần mẫn "chăm lo" cho chiếc máy bay do mình sáng chế
Thấy được việc quá tốn kém cho các khoản chi, từ đó, trong đầu ông đã bắt đầu nghĩ ra, tại sao mình không làm thử một chiếc, vừa tiết kiệm chi phí mà không từ bỏ niềm đam mê hay phụ thuộc vào các nhà sản xuất.
Nghĩ là làm, ông bắt tay vào làm ngay một chiếc máy bay mô hình từ một chiếc máy cưa tay có sẵn trong góc nhà. Ông đưa nguyên hệ thống điện từ chiếc máy bay mô hình đã có sẵn và bắt đầu chế tạo. Theo lời ông kể, phải mất đến nửa năm, chiếc máy bay mô hình đầu tiên cũng đã hoàn thiện và đã cất cánh được sau bao nhiêu nỗ lực.
“Bay ngon lắm, tốt lắm với công suất máy tới 3,5 ngựa, sải cánh lên tới 1,2 mét. Mình đã cho nó bay rất nhiều lần.” Ông Hiển hào hứng kể với chúng tôi.
Tuy nhiên, sau nhiều lần chơi cùng chiếc máy bay mô hình đầu tiên do chính mình sáng chế, ông Hiển nhận ra rằng, chiếc máy bay này có khá nhiều nhược điểm. "Nhược điểm đầu tiên là mỗi lần bay, để khởi động động cơ là mình phải giật vì nó là máy của máy cưa tay, rất là nguy hiểm. Nhưng cái nguy hiểm hơn là một thời gian dài sau đó, nó bị nhiễu tia lửa điện của chiếc máy cưa tay, lúc hoạt động được, lúc thì không. Do đó, mình đã bỏ chiếc máy bay này”.
Lên đời máy bay trực thăng siêu nhẹ
Mặc dù đã vấp phải một lần chưa được như mong ước nhưng ông kỹ sư nông dân này vẫn không từ bỏ niềm đam mê về một chiếc máy bay made in VietNam. Và trong lúc đó, ông chợt nghĩ, “Hay mình làm một chiếc máy bay lớn mà không phải là một chiếc mô hình. Mình có thể chơi cùng, bay cùng cho thoã lòng mong ước”… thế là ông lại bắt tay vào một “công trình nghiên cứu” hoàn toàn mới.
Ông cho biết, ban ngày làm trong garage, tối về, ông mày mò, tìm tài liệu để học và tham khảo các quá trình để hình thành một chiếc máy bay siêu nhẹ. Cứ học được đến đâu là ông bắt tay vào thực hiện. Nhưng lần này làm một chiếc máy bay lớn thì những khó khăn đã vấp phải ngay từ đầu.
Chiếc máy bay trực thăng đầu tiên của kỹ sư Bùi Hiển. Hiện đang nằm trong kho của Garager
Theo ông, nguyên liệu và máy móc để chế tạo cánh máy bay tại Việt Nam là điều khó khăn nhất. Chiếc cánh đầu tiên ông chế tạo ra từ sợi thuỷ tinh, sau khi tính toán chi li từng chút một trong độ dài, cân nặng… ông đã cho đúc trong khuôn, nhưng khi ra thành phẩm, chiếc cánh đầu tiên lại không như mong muốn, cân nặng cho mỗi sải cánh lại không đồng đều thì không thể sử dụng được.
“Lúc đấy mình chuyển lại chuyển sang đúc nhôm cho cánh quạt máy bay, nhưng ở Việt Nam, tìm được một chỗ đúc nhôm cho chiếc cánh quạt này không hề đơn giản. Các cơ sở đúc nhôm không có những công nghệ tiên tiến như nước ngoài nên việc tìm ra một nơi có thể đúc được là không hề đơn giản chút nào.”
Và rồi chiếc máy bay siêu nhẹ đầu tiên mang tên Bùi Hiển cũng ra đời sau 2 năm mày mò nghiên cứu. Chiếc máy bay này sử dụng động cơ trong chiếc ca nô của Yamaha với 106 mã lực mà ông đã mua về từ bãi xe cũ. Tổng trọng lượng trong tính toán của ông, máy có thể chở một phi công và mang theo thêm 50 kg hàng hoá, tiêu tốn 15 lít xăng cho 1 giờ bay.
Nhưng khi thử nghiệm thực tế, chỉ mới nâng máy bay và bay ở độ cao thử nghiệm là 2 mét thì máy bay chỉ có thể bay trong vòng 15 phút phải hạ cánh bởi hệ thống làm mát không được. "Mặc dù gắn một hệ thống làm mát rất lớn nhưng khi bay thử trong xưởng, chỉ 15 phút mình phải tắt máy, bởi hệ thống làm mát nó sôi sục và không thể làm mát kịp.”
Ước mơ tạo máy bay phục vụ cho nông nghiệp
Mặc dù đã có thể nâng chiếc máy bay lên và gần như đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa thoả mãn mong ước mà kỹ sư nông dân Bùi Hiển trông đợi. Ông lại tiếp tục “bay vào” mày mò, dường như đã rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu, lần này, ông đầu tư hẳn một động cơ được sử dụng riêng cho máy bay siêu nhẹ được nhập từ Mỹ về.
Chỉ gần 1 năm, chiếc máy bay thứ 3 đã được hoàn thiện cơ bản đến 90%. Nó lột xác hoàn toàn so với chiếc máy bay trực thăng thế hệ đầu. Theo chia sẻ của ông, chiếc máy bay này có chiều dài 7,4 mét, cao 2,4 mét, chiều rộng 2 mét, sải cánh 6,6 mm và đuôi quạt sau 1,1 mét. Tải trọng của chiếc máy bay lần này tối đa là 500 kg, trọng lượng rỗng là 350 kg và công suất máy là 170 mã lực.
Động cơ dành cho chiếc máy bay trực thăng thứ 2 của ông đang dùng
Cũng theo ông Hiển, động cơ mới sử dụng xăng A92, bình xăng chứa được 50 lít và cho thời gian bay trong khoảng 2 giờ, tiêu tốn khoảng hơn 30 lít (tính toán theo lý thuyết). Ông đã cho bay thử chiếc máy bay thứ 2 này và nó có thể nâng lên tầm 2 mét nhưng đây mới chỉ là thử nghiệm nhanh ban đầu về khả năng qua khỏi mặt đất. Từ đó, còn thử nghiệm tốc độ, bánh lái và đặc biệt nhất là an toàn trong khi bay cho phi công.
“Tuần sau, mọi thứ cơ bản được khắc phục và máy móc hoạt động trơn tru, mình sẽ tiến hành bay thử nghiệm trong Garage. Đồng thời, hiện mình đã hoàn tất thủ tục để xin Bộ Quốc Phòng cấp phép được bay thử nghiệm ngoài trời.” Ông Hiển cho biết thêm.
Qua những lời kể của ông, chúng tôi dường như cảm nhận được những khó khăn chồng chất, đầy gian nan của ông… nhưng ước mơ, hoài bão và đam mê mà ông đang theo đuổi rất quý, ít ai có được. Trong câu chuyện, ông luôn nhắc đến việc ứng dụng một chiếc máy bay siêu nhẹ vào nông nghiệp sẽ giúp ích rất lớn cho nông dân và các chủ doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và nhân lực…
“Với trọng lượng của một chiếc máy bay của mình có thể chở 1 người ngồi và chở thêm 60 kg. Ví dụ như mình chở 60 kg thuốc trừ sâu lên những cánh đồng lớn, hay những vườn cao su… mình có thể tưới một cách dễ dàng và nhanh chóng, trong khi những chiếc máy phun hiện nay vẫm chưa thể phun lên tới ngọn cây cao su. Chưa kể, người nông dân phải chạy từng hàng cây một để phun thuốc, tốn kém nhiên liệu và sức lực. Nếu thuê một chiếc trực thăng, chỉ trong 1 giờ thì một cách đồng lớn sẽ được phun nhanh chóng. Và áp dụng rất nhiều vào các công việc khác…”
Hiện, theo tính toán của ông, trong những năm qua ông đã tiêu tốn trên 300 triệu đồng cho đam mê tạo ra một chiếc máy bay mang thương hiệu Việt từ những chiếc máy cũ kĩ được nhập về qua các bãi xe. “Nếu được cấp phép và nhập thiết bị là cánh quạt và động cơ thì vị chi có thể tạo
ra một chiếc máy bay trực thăng siêu nhẹ sẽ không quá 1 tỷ đồng. Từ đó có thể áp dụng và đưa công nghệ vào phục vụ cho nông nghiệp, cho nông dân”.
Dân trí sẽ tiếp tục đưa tin về việc bay thử nghiệm của kỹ sư Bùi Hiển trong thời gian tới.
Chiếc máy bay trực thăng thứ 2 của kỹ sư Bùi Hiển
Máy bay đang được thử nghiệm và kiểm tra trục, bánh lái... và sắp được bay thử
Cánh quạt đuôi có kích thước 1,1 mét
Bên trong khu điều khiển khá đơn giản
Ghế ngồi
Bình đựng xăng
Chân bánh lái
Chân dung của chiếc máy bay Made by Bùi Hiển
Ước mơ đưa máy bay siêu nhẹ vào phục vụ nông nghiệp.
Quốc Phan