Tương lai nào cho ngành Trí tuệ Nhân tạo (AI) Việt Nam?
(Dân trí) - Các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo - AI đã không còn chỉ ở trong các phòng nghiên cứu công nghệ đơn thuần mà đã và đang đi vào hàng loạt ứng dụng trong cuộc sống hiện đại nói chung và trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid nói riêng.
Với tốc độ phát triển "thần tốc" như hiện nay, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ.
Khi AI tham gia chống covid
Những năm vừa qua, AI đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông hay thương mại điện tử… Trong giai đoạn cấp thiết của dịch bệnh, áp dụng Trí tuệ nhân tạo đã chứng minh hiệu quả của công nghệ trong việc hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu. Những ứng dụng nổi bật của AI thời gian qua có thể kể đến như truy vết người tiếp xúc khi có ổ dịch hoặc ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao đòi hỏi sự nhanh chóng và chính xác trong công tác nhập liệu, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống.
Tại Việt Nam, một trong các phần mềm tham gia vào mặt trận hỗ trợ điều trị covid đầu tiên phải kể đến đó là DrAid™. DrAid™ là phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam do Công ty VinBrain thuộc Tập đoàn Vingroup phát triển từ năm 2019, giúp chẩn đoán các bệnh về phổi, tim và xương dựa trên X-quang. DrAid™ giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu bất thường dựa trên ảnh X-quang ngực thẳng trong vòng chưa đầy 5 giây, kết hợp cùng xét nghiệm PCR, từ đó nâng cao độ chính xác, hỗ trợ tăng tính nhất quán và chuyển giao kiến thức của bác sĩ từ tuyến Trung ương tới cơ sở.
Ứng dụng Robot Call sử dụng AI cũng là một sáng kiến nổi bật giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế. Sử dụng các công nghệ, như chuyển đổi văn bản thành giọng nói, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, hội thoại thông minh, Robot Call có thể thực hiện các cuộc gọi đến người dân nhanh chóng để khuyến cáo cũng như cập nhật các thông tin y tế cần thiết. Hệ thống AI Callbot đã được Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Y Tế và Đại học Quốc Gia Hà Nội triển khai áp dụng đầu tiên tại Bắc Giang, Bắc Ninh, sau đó mở rộng ra khu vực miền Trung và TP HCM. Tại một số địa phương, tổng đài còn hỗ trợ tiếp nhận thông tin khai báo từ người dân và báo cáo lại với ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh. Giọng tổng đài viên ảo thường được điều chỉnh theo vùng miền và có khả năng nhận diện giọng nói để tương tác hai chiều với người nghe.
Việt Nam tiến tới có 10 thương hiệu AI Top khu vực
Trong Chiến lược quốc gia về Trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng thành công 10 thương hiệu Trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực chắp cánh cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.
Đứng trước cơ hội và thách thức phát triển AI của Việt Nam, Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI đã tổ chức sự kiện trực tuyến Ngày Trí tuệ nhân tạo 2021 (VinAI Day) vào ngày 27 và 28/8/2021. Chương trình có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và chuyên gia AI hàng đầu thế giới và Việt Nam, mang đến những thông tin cập nhật nhất của AI Việt Nam và những xu hướng phát triển của AI thế giới, đặc biệt là những ứng dụng mới của AI trong lĩnh vực xe tự hành.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng (Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI (thuộc Tập đoàn Vingroup) nhận định: "Trong thời đại mà các ý tưởng cải tiến trong ngành công nghiệp ô tô dần bão hòa, tính năng lái tự động đã hình thành và mở ra một tương lai đầy tiềm năng, thu hút không chỉ các nhà sản xuất ô tô, mà cả những ông lớn về công nghệ như Google, Apple, Uber đến các startup cùng tham gia vào cuộc chơi. Tại sự kiện VinAI Day, lần đầu tiên chúng tôi sẽ được giới thiệu đến công chúng Việt Nam trên khía cạnh kỹ thuật và hướng tiếp cận với sự phân tích chuyên sâu. Giáo sư Hongdong Li (ngành Thị giác máy tính, Đại học Quốc gia Úc) và Tiến sĩ Ching-Yao Chan (Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu DeepDrive, Đại học California, Berkeley) cũng sẽ tham gia chia sẻ về vấn đề này."
Tổng Giám đốc VinAI cũng hé lộ, sau gần 3 năm thành lập, bên cạnh các công trình nghiên cứu quốc tế, VinAI là đơn vị phát triển thành công công nghệ nhận diện gương mặt đứng Top 6 thế giới. VinAI cũng đã nghiên cứu và phát triển các thuật toán cho xe tự lái với module nhận thức nhận diện làn đường và vật thể đạt độ chính xác và tương thích cao với đường phố Việt Nam, góp phần vào việc đưa các sản phẩm xe thông minh sắp tới của VinFast ra thị trường Việt Nam và quốc tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một quốc gia với điều kiện giao thông rất đặc thù, nếu giải quyết được vấn đề xe tự hành thì sẽ có thể mở đường cho các ứng dụng có tính xã hội cao. Hơn nữa, việc đưa ra lời giải cho bài toán đặc thù của Việt Nam cũng tạo tiền đề để giải những bài toán mang tính cơ bản, có tầm ảnh hưởng cao ở các quốc gia khác. Các công ty công nghệ nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ cần mua những sản phẩm hoặc thậm chí nhập sản phẩm made in Vietnam để áp dụng tại nước họ. Tuy khó khăn, nhưng đây là thời cơ để vươn tầm đón nhận thách thức!
"Ngày Trí tuệ nhân tạo 2021: Tiếp lửa Đổi mới sáng tạo" sẽ được phát trực tiếp trên kênh Youtube của VinAI và các nền tảng mạng xã hội trong 2 ngày 27 và 28/08. Đăng ký tham gia sự kiện tại đây (https://forms.gle/LKzRY1H7L5sbZMEj9) để có cơ hội nhận được những phần quà của ban tổ chức. Chi tiết vui lòng truy cập: https://www.vinai.io/aiday2021/