Tương lai ảm đạm của các mạng di động nhỏ

(Dân trí) - Các mạng di động nhỏ đang trong cảnh “lực bất tòng tâm” trước “cuộc chiến” không cân sức trên thị trường viễn thông. Với tương lai ảm đạm các mạng di động nhỏ đang phải đối mặt với kết cục buồn.

Thị trường viễn thông di động Việt Nam đang có 5 nhà mạng đang hoạt động: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GMobile. Tuy nhiên hầu như tất cả diễn biến của thị trường đều phụ thuộc vào 3 nhà mạng lớn nhất: Viettel, MobiFone, Vinaphone 

Báo cáo hồi cuối năm 2014 của  Vietnamobile cho biết nhà mạng này đã có 15 triệu thuê bao và đơn vị chủ quản là Hanoi Telecom thông tin đạt doanh thu đạt 8.410 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 159 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, mạng di động này vẫn chưa đủ sức và tầm để trở thành đối trọng của 3 “ông lớn” hiện đang nắm giữ đa số thị phần trên thị trường.

Còn với Gmobile, sau khi ra mắt thương hiệu mới thay thế cho tên cũ Beeline vào tháng 10/2012 chỉ mới xuất hiện trên thị trường với  hai sự kiện: Ra mắt gói "Tỷ phú 3" và có thỏa thuận roaming với Vinaphone. Nhưng, gói "Tỷ phú 3" không tạo được tiếng vang như hai gói dịch vụ trước nên số thuê bao mới tăng không đáng kể. Còn quá trình roaming với Vinaphone vẫn chưa hoàn tất do bản thânVinaphone vấn đang bận giải quyết vấn đề nội tại của chính DN mình. 

Trên thị trường hiện tại thị phần của Gmobile rất bé nhỏ.

3
3 "ông lớn" hiện chiếm hơn 90% thị phần trên thị trường viễn thông

Cũng do lực yếu, sức nhỏ hai mạng di động này đành chịu cảnh “lực bất tòng tâm” trước “cuộc chiến” không cân sức trên thị trường viễn thông. Không đủ năng lực để tham gia những cuộc chơi tốn kếm như chạy lên mạng 4G, các đợt khuyến mại cạnh tranh để giành thuê bao…các nhà mạng nhỏ buộc phải tìm đường sinh tồn với  khe cửa ngày càng đóng hẹp.

Mới đây nhất Viettel -  DN viễn thông lớn mạnh nhất trên thị trường tiếp tục đưa ra đề xuất lên Bộ Thông tin Thông tin Truyền thông về quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế giá trần và giá sàn. Nhà mạng quân đội này cho rằng, không nên dành ưu đãi cho DN mới hay DN nhỏ. Theo đó, nên thực hiện giá trên cơ chế giá trần và giá sàn; các DN sẽ tự xây dựng giá cước trên cơ sở không được bán dưới giá sàn.

Đề xuất này được cơ quan chủ quản ghi nhận và xem xét chứ chưa quyết định. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia nếu cơ chế này được áp dụng thì chắc chắn hai nhà mạng Vietnamobile, Gmobile vốn là những DN nhỏ (không chịu sự quản lý nhà nước về giá cước và khuyến mại) khó còn “đất sống”.

Năm 2014 thị trường viễn thông chứng kiến cuộc chia tách của MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Theo thống kê, hiện MobiFone chiếm 31,7% thị phần- là nhà mạng lớn thứ 2 trên thị trường. Đến nay, MobiFone mới chỉ đầu tư mạnh mẽ nhất mảng thông tin di động, nhưng theo kế hoạch nhà mạng này sẽ triển khai đa dạng dịch vụ hơn. Với sức mạnh nội tại MobiFone là đối thủ lớn nhất của Viettel – DN đang nắm 45% thị phần trên thị trường. Còn Vinaphone (thuộc VNPT) chỉ giữ 17,4% thị phần.

Có thể nhìn thấy rõ áp lực cạnh tranh trên thị trường hiện nay chỉ còn phụ thuộc vào 3 mạng di động lớn nhất, tạo thành thế “chân vạc”. Số phận của các mạnh di động động nhỏ rất khó định đoán, bởi chỉ một động thái điều chỉnh thị trường của một trong 3 “ông lớn” tung ra, lập tức thị phần nhỏ bé và thiếu tính bền vững của hai mạng di động nhỏ lại thêm phần chao đảo, khó khăn!

Phạm Thanh