Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào?

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành mức phạt mới đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả. Nếu gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân, mức phạt có thể sẽ cao hơn.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một số thông tin thất thiệt, sai sự thật về bệnh viêm phổi Vũ Hán, khiến cộng đồng mạng hoang mang, đánh giá sai về dịch virus corona tại Việt Nam và trên thế giới.

Tin giả về virus corona gây nhiễu loạn mạng xã hội

Ngày 27/1, một chủ shop bán hàng online đăng trên trang Facebook cá nhân thông tin có 6 người nghi nhiễm virus corona đang cách ly tại Bệnh viện đa khoa An Phước.

Ngay sau đó, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa An Phước đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh đề nghị làm rõ thông tin trên.Tại cơ quan công an, người này đã thừa nhận thông tin đăng tải là sai sự thật.

Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào? - 1
Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào? - 2
Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào? - 3

Thông tin giả, sai sự thật về dịch viêm phổi Vũ Hán gây nhiễu loạn mạng xã hội thời gian.

Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào? - 4

Hướng dẫn chữa virus corona tại nhà nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên Facebook.

Ngày 28/1, anh T.V.T (22 tuổi, ngụ P.Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) cũng bị mời đến trụ sở Công an phường để làm rõ về thông tin mà người này đã đăng trên Facebook không đúng sự thật về việc hai người Trung Quốc nghi nhiễm virus corona tại Bệnh viện Lê Lợi.

Ngày 3/2, anh P.H.G Đà Nẵng bị phạt vì hành vi lấy kết quả điều trị bệnh sốt xuất huyết, chỉnh sửa nội dung thành dương tính với virus corona rồi đăng lên mạng xã hội để "câu like".

Mới đây, một gia đình ở Bạc Liêu cũng rơi vào cảnh khốn đốn vì bị tung tin đồn thất thiệt có 2 trường hợp nhiễm virus Corona lên mạng xã hội, trong khi thực tế là hoàn toàn sai sự thật.

Gia đình này đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những người tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của những người liên quan.

Người nổi tiếng cũng chia sẻ tin giả

Một số nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân... cũng bị cộng đồng mạng chỉ trích vì đưa tin sai lệch, không giúp người dân nâng cao tinh thần phòng bệnh mà gây hoang mang tâm lý giữa dịch corona.

Cụ thể vào hôm 26/1, trên trang Fanpage Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin sai sự thật về hai bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Fanpage của nam ca sĩ cho rằng "hai người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Chợ Rẫy".

Tung tin giả, sai sự thật về dịch corona trên MXH sẽ bị xử phạt thế nào? - 5

Cùng ngày, trên trang cá nhân, Cát Phượng chia sẻ: "Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7...".

Ca sĩ Ngô Thanh Vân thì bị dân mạng phản ứng vì cập nhật trạng thái trên fanpage về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus corona, trong khi Cục hàng không tại thời điểm đó đã ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại.

Sau khi chia sẻ những thông tin trên trang cá nhân được cho là thiếu chính xác, các nghệ sĩ đã vấp phải ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Cả 3 đã xóa bài đăng gây tranh cãi trước đó. Một số thì lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn chưa chính xác của mình.

Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả bị phạt thế nào?

Trước thực trạng thông tin độc hại, sai sự thật được lan truyền, mất kiểm soát, gây hoang mang dư luận về bệnh viêm phổi Vũ Hán và virus corona, vào hôm 4/2 vừa qua,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử.

Nghị định mới làm rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây, bao gồm quy định mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận.

Bên cạnh đó, nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Nếu người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

Nguyễn Nguyễn