Tựa game “gây sốt” Pokemon GO là công cụ gián điệp của tình báo Mỹ?

(Dân trí) - Pokemon GO là tựa game đang “gây sốt” trên toàn cầu nhờ sự kết hợp giữa thực và ảo, tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng việc thường xuyên sử dụng định vị GPS có thể khiến Pokemon GO trở thành một công cụ gián điệp. Thậm chí có thông tin cho rằng đây là một công cụ gián điệp của CIA.

Pokemon GO là công cụ gián điệp của CIA?

Pokemon GO là tựa game được phát triển bởi hãng phần mềm Niantic (Mỹ) và được phát hành bởi Nintendo (hãng đang nắm giữ bản quyền về thương hiệu, hình ảnh của Pokemon). Một trong những yếu tố gây nên “cơn sốt” của tựa game này đó là Pokemon GO sử dụng định vị và cảm biến trên smartphone để ảo hóa thế giới thực, giúp người dùng có thể sử dụng thế giới thực xung quanh mình để chơi game.

Chính tính năng này lại là điều khiến nhiều người đặt ra nghi vấn Pokemon GO là một công cụ gián điệp, khi mọi địa điểm của người chơi đều được game ghi lại đầy đủ. Chưa kể, Pokemon GO sử dụng camera trên smartphone để ghi lại hình ảnh xung quanh của người chơi trò chơi này sẽ thu thập một dữ liệu rất lớn địa điểm, hình ảnh về môi trường xung quanh người chơi.

John Hanke, người từng làm việc cho các dự án của CIA khiến nhiều người lo ngại Pokemon GO là một sản phẩm khác có CIA “nhúng tay” vào
John Hanke, người từng làm việc cho các dự án của CIA khiến nhiều người lo ngại Pokemon GO là một sản phẩm khác có CIA “nhúng tay” vào

Một nguyên do khác khiến Pokemon GO bị đặt ra nghi vấn là công cụ gián điệp chính là nhà sáng lập của hãng game Niantic, “cha đẻ” của trò chơi này, John Hanke (người từng làm công việc ngoại giao trong chính phủ Mỹ).

Năm 2011, John Hanke thành lập hãng phần mềm Keyhold, Inc, chuyên về công nghệ bản đồ và định vị. Một trong những nhà đầu tư đầu tiên và lớn nhất của Keyhold là công ty có tên gọi In-Q-Tel, một quỹ đầu tư của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Số tiền được đầu tư đến Keyhold thông qua In-Q-Tel chủ yếu lại đến từ Cơ quan Tình báo địa lý Không gian Quốc gia (trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ), có nhiệm vụ thu thập, phân tích và phân phối các thông tin tình báo về không gian địa lý cho các cơ quan tình báo khác của Mỹ.

Sản phẩm đáng chú ý nhất của Keyhole đó là dịch vụ bản đồ Earth, sau đó được đổi tên thành Google Earth khi Google mua lại công ty này vào năm 2004.

Đến năm 2010, Niantic Labs được chính John Hanke thành lập, là một công ty con bên trong Google. Trong vài năm sau đó, Niantic xây dựng một game và ứng dụng chuyên về địa điểm, và bản đồ. Đầu tiên là ứng dụng Field Trip, một ứng dụng cho phép người dùng đi xung quanh địa điểm mình đang sống để thu thập đồ vật (tương tự như đi bắt Pokemon hiện nay) và ứng dụng thứ hai là Ingress, một game viễn tưởng nơi người dùng đi xung quanh khu vực mình đang sống để tìm kiếm, thu thập các báu vật trong game.

Năm 2015, Niantic chính thức tác ra khỏi Google và trở thành một công ty riêng, sau đó hợp tác với Nintendo để phát triển tựa game Pokemon GO.

Nghi vấn về Pokemon GO càng trở nên có cơ sở khi ứng dụng này gần như đỏi hỏi đầy đủ mọi quyền hạn khi cài đặt lên smartphone của người dùng, bên cạnh các quyền hạn như truy cập địa điểm thì ứng dụng cũng khai thác các quyền hạn truy cập đến dữ liệu bên trong thiết bị. Dĩ nhiên, người dùng rất ít khi quan tâm đến việc yêu cầu các quyền hạn này mà vẫn cài đặt lên smartphone của mình.

Pokemon GO đòi hỏi nhiều quyền hạn truy cập khi cài đặt trên thiết bị của người dùng
Pokemon GO đòi hỏi nhiều quyền hạn truy cập khi cài đặt trên thiết bị của người dùng

Dĩ nhiên đây chỉ là những nghi vẫn bước đâu và để chứng minh điều này cần có sự phân tích từ các chuyên gia bảo mật và công nghệ. Dù vậy, đây vẫn là một lời cảnh báo cho không ít người đang “say đắm” với trò chơi đang rất được yêu thích này.

Iran trở thành quốc gia đầu tiên cấm Pokemon GO vì lo ngại vấn đề bảo mật

Pokemon GO là tựa game đang “gây sốt” trên toàn cầu vì cách chơi kết hợp giữa thực và ảo của mình, tuy nhiên người chơi tại Iran sẽ không có cơ hội được trải nghiệm trò chơi này khi chính phủ Iran đã ban lệnh cấm với Pokemon GO vì những lo ngại về an ninh.

“Bất kỳ trò chơi nào muốn hoạt động trên toàn lãnh thổ Iran cần phải có sự cho phép của Bộ văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo. Pokemon GO là ứng dụng chưa có được sự cho phép như vậy”, Abolhasan Firouzabadi, người đứng đầu Hội đồng tối cao không gian mạng của Iran chia sẻ với hãng tin INSA.

Những hình ảnh do Pokemon GO ghi lại có thể làm lộ nhiều bí mật quốc gia và quốc phòng
Những hình ảnh do Pokemon GO ghi lại có thể làm lộ nhiều bí mật quốc gia và quốc phòng

Theo tờ báo The Guardian của Anh thì lý do khiến Iran cấm trò chơi “gây sốt” này chính là những lo ngại về vấn đề an ninh và bảo mật liên quan đến Pokemon GO, nhất là công nghệ định vị theo thời gian thực của trò chơi này.

Đây không phải là lần đầu tiên Iran cấm một game có nguồn gốc từ phương Tây, tuy nhiên với các game trước đây nguyên do chính chủ yếu liên quan đến vấn đề chính trị, hơn là nguyên do về lo ngại bảo mật.

Iran đã trở thành quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm Pokemon GO, nhưng trên thực tế trò chơi này cũng đã bị cấm theo quy mô nhỏ hơn tại nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn tại Israel và một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm binh sĩ chơi Pokemon GO bên trong doanh trại quân đội vì lo ngại những hình ảnh do trò chơi ghi lại được sẽ làm lộ bí mật quân đội.

T.Thủy

Dòng sự kiện: Pokemon Go gây sốt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm