Truyền hình trả tiền tại Việt Nam: Cần cơ chế cấp bách!
(Dân trí) - Với chỉ hơn 6 triệu thuê bao, tiềm năng của thị trường truyền hình trả tiền còn rất lớn, nhưng đây cũng là thách thức với các cơ quan quản lý nhằm tạo ra các cơ chế mới để có bước phát triển nhanh và bền vững cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Sáng nay, 11/9/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền Việt Nam do Hiệp hội về lĩnh vực truyền hình trả tiền kỹ thuật số, nội dung chương trình, nền tảng kỹ thuật số và quảng cáo tại thị trường Châu Á-Thái Bình Dương CASBAA phối hợp cùng VTVCab tổ chức. Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành truyền hình gặp gỡ, cập nhật những thông tin, xu hướng mới nhất trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.
Hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ các thương hiệu truyền hình hàng đầu thế giới, các đơn vị truyền thông uy tín quốc tế và Việt Nam tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, trong những năm qua, truyền hình trả tiền tại Việt Nam không ngừng phát triển bên cạnh các loại hình thông tin truyền thông khác. Truyền hình trả tiền đã được đầu tư đáng kể, cung cấp nhiều lựa chọn cho người dân về thông tin và giải trí do lợi thế về tính đa dạng của dịch vụ, nội dung phong phú, kỹ thuật hiện đại.
Theo ông Bảo, truyền hình trả tiền bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993 với sự ra đời của dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS. Cách đây hơn 10 năm, cả nước chỉ có vài nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS, đi đầu là Truyền hình cáp Saigontourist ở thành phố Hồ Chí Minh và Trung kỹ thuật truyền hình cáp MMDS (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) tại Hà Nội. Từ 2001 đến nay, truyền hình trả tiền phát triển mạnh với sự phổ biến của dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến và đến cuối năm 2013, trên cả nước đang có trên 30 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Gần như tỉnh, thành phố nào cũng có dịch vụ truyền hình cáp, thậm chí một số tỉnh, thành phố có sự hiện diện của 2 đến 3 đơn vị cung cấp dịch vụ cùng hoạt động kinh doanh. Đặc điểm phát triển của truyền hình cáp chủ yếu tập trung ở những khu vực đông dân cư, nơi mang lại hiệu quả kinh doanh cao, vì vậy phần lớn khách hàng thuê bao tập trung tại các thành phố lớn, trong đó tập trung nhất tại TP Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận 2 thành phố này.
Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình trả tiền trả lời tham luận tại Hội nghị.
Đến thời điểm hiện nay, thị trường truyền hình trả tiền có 4 loại hình dịch vụ, đó là: truyền hình cáp (gồm cả IPTV), truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất và truyền hình di động với trên 6 triệu thuê bao và tăng trưởng mạnh hàng năm.
Tuy nhiên, đến cuối 2013, cả nước vẫn chỉ có hơn 6 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số xấp xỉ 22 triệu hộ gia đình. Ông Bảo nhận mạnh về nhu cầu cấp bách cần phải áp dụng cơ chế quản lý mới để tạo ra bước phát triển nhanh và bền vững cho thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Tuy vậy, đại diện Bộ TTT&TT khẳng định, truyền hình trả tiền là xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện và trong tương lai, truyền hình trả tiền sẽ giữ vai trò chủ đạo về phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân, truyền hình quảng bá nói chung và truyền hình mặt đất nói riêng chủ yếu phục vụ thông tin tuyên truyền, thời gian qua. Do đó, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chính sách quan trọng, từng bước sắp xếp và hình thành thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền với quan điểm quản lý rõ ràng và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và dịch vụ.
“Trước đây, lĩnh vực truyền hình trả tiền được áp dụng cơ chế chủ yếu quản lý về nội dung thông tin, vì vậy thiếu những quy định cụ thể về thị trường, hạ tầng, công nghệ kỹ thuật và dịch vụ. Đây chính là lý do trong hơn 10 năm qua, mặc dù truyền hình trả tiền có bước phát triển đáng kể, từng bước đi vào đời sống xã hội nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nó”.
Ông Marcel Fenez, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á - Thái Bình Dương (CASBA) cho rằng Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm vào giao lưu, thiết lập quan hệ với các đối tác quốc tế uy tín trên thế giới và khu vực.
Khôi Linh