1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Truyền hình cáp: Viettel lâm trận, SCTV đổi chiến thuật

Với thế và tiền, Viettel đang kỳ vọng sẽ làm đảo lộn thế trận truyền hình cáp như đã từng làm ở lĩnh vực viễn thông, với cước thuê bao chỉ từ 30.000 đồng/tháng.

Truyền hình cáp: Viettel lâm trận, SCTV đổi chiến thuật
SCTV Hà Nội liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi như tặng đầu thu HD, miễn toàn bộ phí hòa mạng...
Phạm Văn Lâm, lính mới toanh của phòng kinh doanh truyền hình cáp Viettel trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM), đang phải chạy hết tốc lực để có thêm 7 hợp đồng nữa mới đủ chỉ tiêu 10 hợp đồng mỗi tháng. Áp lực càng gia tăng khi tờ lịch đã chuyển sang ngày 18. Lâm là một trong số hàng trăm nhân viên kinh doanh của Viettel đang tham gia cuộc chiến truyền hình cáp tại TP.HCM. Nhiệm vụ của họ là phải giành lấy thị trường trong thời gian sớm nhất để dần chạm tới ngôi vương của ông hoàng VTV.

Lịch sử sẽ lặp lại

Cách đây khoảng 2 thập niên, không ai ngờ rằng có ngày Viettel sẽ qua mặt VNPT trong trận chiến viễn thông. Năm qua, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Viettel tiếp tục vượt VNPT lần lượt là 2 tỉ USD và 1,2 tỉ USD. Thế và lực này chính là lực đẩy giúp Viettel có thể chinh phục các mục tiêu kế tiếp. Truyền hình cáp hiển nhiên đã lọt vào tầm ngắm của họ với lợi thế lớn nhất là việc sở hữu hệ thống cáp quang dài hơn 200.000 km, phủ trên 95% địa bàn cả nước.

“Một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng mới phải mất khoảng một thập niên với hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng Viettel có thể cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ trong thời gian ngắn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết.

Và Tập đoàn Viễn thông Quân đội này tiếp tục khẳng định năng lực của mình bằng giấy phép truyền hình cáp được cấp hồi tháng 4.2013. Thậm chí, họ còn cam kết nếu không thể triển khai dịch vụ trong vòng 1 năm sẽ chịu nộp phạt 30 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra là Viettel đã dàn trận thế nào trong gần 1 năm qua để chuẩn bị cho thời điểm tổng công kích sắp tới? Điểm qua các động thái gần đây cho thấy họ không hề khinh suất, mà đã chuẩn bị khá kỹ cho trận chiến này.

Giấy phép cấp cho Viettel nêu rõ, họ không được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại 8 tỉnh thành vốn đang là “nồi cơm” của các đơn vị thuộc VTV. Đổi lại, họ được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi cả nước.

Viettel đang đẩy mạnh việc quảng bá trên Facebook, tại các chi nhánh, phòng giao dịch viễn thông trong cả nước và cả với đội ngũ nhân viên kinh doanh để triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số tại Hà Nội, TP.HCM và Hà Nam từ giữa tháng 3 tới. Sau đó, sẽ tiếp tục thực hiện tại 15 tỉnh, thành khác.

Giá cước truyền hình cáp Viettel chính là mối quan tâm lớn của khách hàng lẫn các đối thủ cạnh tranh, nhất là VTV. Ông Lê Đình Cường, Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp truyền hình đang e ngại Viettel sẽ có thể đưa ra mức giá thấp hơn mặt bằng chung. Hiện dịch vụ truyền hình vệ tinh của AVG có gói cước thấp nhất là 33.000 đồng/tháng, VTC cũng cho biết có thể thiết kế gói cước giá chỉ 30.000 đồng/tháng. Thị trường lại rộ lên nguồn tin chưa được kiểm chứng là Viettel sẽ có gói cước cho khu vực nông thôn dưới 30.000 đồng/tháng.

Có doanh thu lớn từ viễn thông, Viettel hoàn toàn có khả năng bù lỗ cho lĩnh vực truyền hình. Việc này sẽ kéo theo các gói cước có mức giá cực thấp.

Song hổ tranh hùng

Số liệu của Cục Quản lý cạnh trạnh cho hay, trong lĩnh vực truyền hình cáp năm 2012, SCTV vẫn chiếm hơn 40% thị trường. Kế đó là VTVCab với 30% và HTVC 15%. Như vậy, chỉ riêng 2 đứa con của VTV là SCTV và VTVCab đã nắm tới 70% thị trường với tốc độ tăng trưởng thuê bao từ 8 - 10%/năm.

VTV vẫn chưa có đối thủ xứng tầm, có thể cho tới khi Viettel chính thức ra mắt dịch vụ trong tháng 4 tới. Tục ngữ có câu “hai cọp không thể sống chung một rừng” nên cuộc chiến giành thị trường là không thể tránh khỏi.

Ngay trong những ngày đầu năm 2014, SCTV đã tung ra gói cước hòa mạng và thuê bao giảm tới 30%, áp dụng cho chương trình gồm 3 tivi chính và tivi phụ thứ 4 trong toàn khu vực TP.HCM.

Không êm ả như TP.HCM, tình hình giành giật thuê bao ở Hà Nội đang nóng lên từng ngày. Từ ngày 1.9.2013, SCTV Hà Nội liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi như tặng đầu thu HD, miễn toàn bộ phí hòa mạng và lắp đặt, giảm 49% phí thuê bao tháng, tặng 33% thời gian sử dụng khi đóng trước 3 tháng thuê bao trở lên. SCTV còn tiếp thị tới từng hộ gia đình ở nội thành Hà Nội để mời chào lắp đặt thuê bao.

Đối với Viettel, tuy chưa chính thức công bố các gói cước truyền hình cáp, nhưng trong hồ sơ xin cấp phép của mình, doanh nghiệp này đã nêu rõ sẽ triển khai dịch vụ từ khu vực nông thôn ra thành thị; đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng có mức thu nhập khác nhau. Viettel đã xây dựng 7 gói cước cho cả 3 nhóm đối tượng gồm nông thôn, thành thị và dịch vụ giá trị gia tăng. Viettel khẳng định giá cước sẽ dựa trên cơ sở “lấy đông bù ít và hấp dẫn hơn nhiều so với các đối thủ”.

Như vậy, cuộc đấu giữa Viettel và VTV (gồm SCTV và VTVCab) trên mặt trận truyền hình cáp hứa hẹn sẽ khá hấp dẫn. Càng hấp dẫn hơn khi FPT Telecom và VNPT có thể cũng sẽ tham gia thị trường này ngay trong năm nay.

Cả nước hiện có khoảng 27 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng tình hình kinh doanh của họ không phải lúc nào cũng toàn màu hồng.

Ông Vũ Văn Hiến, cựu Tổng Giám đốc VTV, cho biết hầu hết các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này hiện đều không có lãi hoặc lãi rất ít và việc có lãi chỉ mới trong khoảng 1-2 năm trở lại đây.

Theo Bảo Vinh

Nhịp cầu đầu tư