Trung Quốc là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong quý I/2016
(Dân trí) - Dựa trên thống kê tình hình bảo mật trong quý I/2016 của Kaspersky Lab, Trung Quốc là quốc gia bị tấn công nhiều nhất chiếm đến 40% tổng các cuộc tấn công. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là nơi phát tán spam lớn nhất, 12,43%; vị trí thứ 2 thuộc về Việt Nam với 10,3%.
Cụ thể, trong quý đầu năm 2016, Kaspersky Lab đã chặn tổng cộng 228 triệu cuộc tấn công vào máy tính và thiết bị di động. So với Q4 2015, số lượng các cuộc tấn công vào người dùng tăng 30%. Tỷ lệ adware trong tổng mối đe dọa di động ở Q1 vẫn giữ mức 42,7%, khiến nó trở thành mối đe dọa di động chính.
Trung Quốc là quốc gia bị tấn công nhiều nhất (40%), kế đến là Bangladesh (28%) và Uzbekistan (21%). Trái lại, quốc gia an toàn nhất là Đài Loan (2.9%), Úc (2.7%) và Nhật Bản (0.9%).
Bên cạnh đó, số lượng email spam giảm nhưng hoạt động ngày càng trái phép. Đồng thời, mức độ độc hại cũng tăng đáng kể. Hãng này cho biết đã ghi nhận email spam chiếm 56,3% trong lưu lượng mail, 81,9% spam mail trong Q1 2016 có kích thước rất nhỏ - cao nhất 2 KB. Đối với spammer, email càng nhỏ càng dễ kiểm soát khi gửi với số lượng lớn.
Hoa Kỳ vẫn là nơi phát tán spam lớn nhất, 12,43%. Những nguồn spam khác bao gồm Việt Nam (vị trí thứ 2 với 10,3%) và Ấn Độ (6,16%).
Đáng chú ý, chủ đề chính trong spam email liên quan đến vấn đề khủng bố. Email spam thuyết phục người nhận rằng file đính kèm chứa ứng dụng trên di động mới có thể phát hiện thiết bị khủng bố. Email nhấn mạnh rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát hiện ra công nghệ này và nó rất đơn giản và dễ truy cập.
Tệp đính kèm thường chứa file khởi chạy được phát hiện với tên Trojan-Dropper.Win32.Dapato,sau khi cài đặt, phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng, tổ chức tấn công DDoS và cài đặt phần mềm độc hại khác.
Ngoài ra, hãng bảo mật này cũng đã chặn được 372,602 cuộc tấn công từ ransomware, 17% trong số này nhắm vào công ty.
Phan Tuấn