Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin

(Dân trí) - Trung Quốc vừa ban hành một điều lệnh để thắt chặt kỹ hơn việc sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên di động, mà theo chính phủ Bắc Kinh là nhằm xây dựng một môi trường “không gian mạng sạch sẽ” và bảo vệ an ninh quốc gia.

Quy định mới được ban hành bởi Văn phòng Thông tin Hội đồng nhà nước, cấm các blogger tại Trung Quốc đăng tải những thông tin chính trị tại quốc gia này mà không được phép và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải đánh dấu rõ những tài khoản nào được phép đăng tải các thông tin chính trị, được gọi là các tài khoản công khai.

Những doanh nhân và người nổi tiếng phải sử dụng các tài khoản công khai, được cấp phép, để đăng tải và thông báo về các sự kiện hay tin tức hoạt động... Nhiều blogger tại Trung Quốc cũng phải chuyển sang sử dụng loại tài khoản này để đăng tải bài viết và các thông tin đã được kiểm duyệt kỹ càng.

Quy định mới cũng yêu cầu những người dùng đăng ký mới các tài khoản công khai phải cung cấp tên thật và phải đồng ý với thỏa thuận “tuân thủ luật pháp và các quy định, hệ thống xã hội, lợi ích quốc gia, quyền lợi hợp pháp của công dân, trật tự công cộng, đạo đức xã hội và đảm bảo tính xác thực với thông tin mà họ cung cấp”.

Ngoài ra, điều luật này cũng chỉ ra rằng chỉ có các tổ chức thông tin, các trang web có thẩm quyền mới được phép gửi hoặc chia sẻ những tin tức chính trị thông qua các tài khoản công khai của họ. Những tài khoản nào vi phạm các quy tắc có thể bị cảnh cáo, hạn chế nội dung hoặc gỡ bỏ.

Chính phủ Trung Quốc muốn kiểm sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động trên Internet tại quốc gia này
Chính phủ Trung Quốc muốn kiểm sát chặt chẽ hơn nữa các hoạt động trên Internet tại quốc gia này

Các quy định này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế các phương tiện truyền thông xã hội như mạng xã hội hay các diễn đàn, ứng dụng nhắn tin trực tuyến... cho phép tranh luận công khai và thể hiện những quan điểm bất đồng chính trị. 

Ban đầu, chính phủ Trung Quốc cho phép các mạng xã hội tại quốc gia này hoạt động một cách tương đối tự do, như một cách để chính phủ theo dõi các ý kiến phản hồi và cho phép công dân trút nỗi thất vọng về các chính sách của đất nước. Nhưng sau đó chính phủ nước này bắt đầu tăng cường kiểm soát các nhà hoạt động chính trị sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền bá các thông điệp chính trị.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cũng đã để mắt đến mạng xã hội Weibo, được xem như một bản sao của mạng xã hội Twitter phiên bản Trung Quốc, vì những tin đồn chính trị được lan truyền một cách mạnh mẽ trên mạng xã hội này.

Bên cạnh các dịch vụ mạng xã hội, chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu kiểm soát kỹ lưỡng các ứng dụng nhắn tin di động trong nhiều tháng qua, mà theo các nhà chức trách các ứng dụng này đã đóng một vai trò lớn trong việc truyền bá tin đồn, các nội dung khiêu dâm và các hệ tư tưởng khủng bố.

Gần đây chính phủ Trung Quốc cũng đã khóa một số ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động của nước ngoài như Line (Nhật Bản) hay Kakao Talk (Hàn Quốc), vì nghi ngờ rằng những ứng dụng này được sử dụng bởi những kẻ khủng bố để trao đổi thông tin. Mặc dù chính phủ Trung Quốc không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy điều này.

Theo Qiao Mu, Giám sư của trường Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, nhận định rằng “chống khủng bố” có thể không phải là động lực thực sự cho hành động mới của chính phủ Trung Quốc.

“Liên kết giữa các cáo buộc khủng bố và ứng dụng nhắn tin miễn phí là khá khập khiễng”, Qiao Mu nhận xét. “Nhìn chung, có vẻ như họ đang sử dụng việc chống khủng bố như một cái cớ để cấm các ứng dụng nước ngoài, vốn khó khăn hơn trong việc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc”.

Điều luật mới được ban hành không chỉ ảnh hưởng đến các ứng dụng nhắn tin miễn phí nước ngoài đang có mặt tại Trung Quốc mà cũng ảnh hưởng đến bản thân các ứng dụng nhắn tin được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc.

Hãng phần mềm Tencent (sở hữu WeChat) cho biết vào ngày hôm qua họ đã phải xóa khoảng 400 tài khoản chính thức và 3.000 bài viết được chia sẻ trên dịch vụ của mình vì lan truyền các tin đồn.

Hiện WeChat là ứng dụng nhắn tin miễn phí có lượng người dùng lớn nhất Trung Quốc, ước tính với 393 triệu tài khoản hoạt động trong quý II/2014, chiếm 87,6% thị phần tại Trung Quốc. Hiện WeChat có khoảng 5,8 triệu tài khoản chính thức (đã được xác minh danh tính người dùng).

WeChat đang yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật để đăng ký tài khoản mới, tuy nhiên WeChat cũng khẳng định chính sách này chỉ áp dụng với người dùng WeChat tại Trung Quốc, còn tại các quốc gia khác sẽ không yêu cầu sử dụng tên thật. Cổ phiếu của Tencent cũng đã bị giảm 3,5% giá trị sau khi chính sách mới được ban hành.

Với chính sách mới được ban hành, chính phủ Trung Quốc cho thấy sẽ áp dụng một chế độ quản lý Internet nghiêm ngặt tại quốc gia mình. Trước đó nhiều mạng xã hội lớn trên thế giới như Facebook, Twitter hay Youtube... cũng đã bị “cấm cửa” tại Trung Quốc.

T.Thủy
Theo WSJ/FT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm