“Trợ lý ảo” dành riêng cho người Việt sử dụng smartphone chạy Android
(Dân trí) - Bạn muốn tìm kiếm một “trợ lý ảo” giúp mình có thể dễ dàng điều khiển smartphone hoàn toàn bằng giọng nói tiếng Việt, giúp sử dụng smartphone dễ dàng và thuận tiện hơn? VAV là ứng dụng “trợ lý ảo” do người Việt phát triển và dành cho người Việt, sẽ đáp ứng được yêu cầu của bạn.
Các “trợ lý ảo” trên smartphone như Siri và Google Now đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên rất ít người dùng Việt Nam sử dụng những “trợ lý ảo” này do chúng không tối ưu cho người Việt và không nhận diện chuẩn xác ngôn ngữ tiếng Việt.
Trước thực tế này, nhóm tác giả MDN-Team (thuộc Phòng Thí nghiệm Khoa học Dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Khoa CNTT, Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) đã phát triển một ứng dụng “trợ lý ảo” dành riêng cho người Việt, với tên gọi VAV.
VAV là ứng dụng miễn phí, sẽ giúp người dùng Việt Nam ra lệnh cho smartphone của mình bằng giọng nói hoàn toàn tiếng Việt, đáp ứng gần như đầy đủ những yêu cầu của người dùng khi sử dụng smartphone, như truy cập trang web, kích hoạt các ứng dụng, xem lịch âm, nhắn tin/gọi điện, tìm kiếm Google...
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phan Xuân Hiếu, trưởng nhóm, thì MDN-Team có sự tham gia của 2 nghiên cứu sinh, 4 học viên cao học và 8 sinh viên của trường (đang học năm 3 và năm 4).
Trong thời gian đầu phát triển ứng dụng, tiến sĩ Hiếu cho biết nhóm đã gặp phải khá nhiều khó khăn, như các thành viên vẫn là sinh viên nên không thể tập trung toàn thời gian cho ứng dụng, bên cạnh đó các thành viên cũng chưa có kinh nghiệm để phát triển ứng dụng chuyên nghiệp nên phải vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, để xây dựng một “trợ lý ảo” có thể hiểu được ngôn ngữ và ý muốn của người dùng là điều không dễ dàng và phức tạp hơn rất nhiều so với phát triển các ứng dụng thông thường... tuy nhiên thầy Hiếu cho biết cả nhóm đã rất nỗ lực và các thành viên đóng góp không ngừng để phát triển sản phẩm hoàn chỉnh ngày hôm nay.
Tính đến nay, VAV mới ra mắt phiên bản đầu tiên và chỉ mới xuất hiện được 8 tháng, tuy nhiên ứng dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dùng, khi có thể nhận diện chính xác các khẩu lệnh từ phía người dùng và thực hiện được nhiều chức năng khác nhau trên smartphone.
Tiến sĩ Hiếu cho biết hiện nhóm đang phát triển phiên bản thứ 2 và dự định khi đến phiên bản 7 hoặc 8 thì sẽ hoàn chỉnh đầy đủ các chức năng như kích hoạt bằng khẩu lệnh dành cho người đang lái xe hoặc trang bị thêm các chức năng mới tùy thuộc vào những phản hồi từ phía người dùng. Sau khi hoàn thiện phiên bản dành cho nền tảng Android, nhóm tác giả mới dự định tiếp tục phát hành phiên bản dành cho các nền tảng khác như iOS và Windows Phone...
Hiện tại, ứng dụng VAV đang được một số nhà đầu tư, bao gồm cá nhân lẫn doanh nghiệp, quan tâm, tuy nhiên tiến sĩ Hiếu cho biết hiện tại đang cân nhắc để tìm ra một hình thức hợp tác phù hợp để VAV có thể phát triển lâu dài, đi đúng định hướng và tầm nhìn ban đầu. Còn hiện tại, mục tiêu quan trọng nhất của cả nhóm đó là tiếp tục phát triển và hoàn thiện các phiên bản mới của VAV.
Trải nghiệm thực tế “trợ lý ảo” VAV dành cho người dùng Android
Là một ứng dụng do người Việt phát triển do vậy VAV nhận diện ngôn ngữ tiếng Việt rất tốt (kể cả giọng Bắc, Trung hay Nam) và có thể nhận diện ngôn ngữ tự nhiên mà không cần phải theo một câu lệnh định sẵn nào.
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.1 trở lên).
Sau khi cài đặt, trong lần đầu tiên sử dụng, VAV sẽ hiển thị giao diện giới thiệu các tính năng chính của ứng dụng, người dùng có thể lướt tay qua màn hình để xem qua phần giới thiệu này. Cuối cùng nhấn nút “Start” để bắt đầu sử dụng VAV.
Giao diện chính của VAV khá đơn giản, từ giao diện chính này, bạn nhấn vào biểu tượng micro để biểu tượng này chuyển sang màu cam, sau đó bắt đầu ra lệnh bằng giọng nói. Chẳng hạn khi muốn truy cập một trang web (ví dụ báo Dân trí), bạn chỉ việc nói khẩu lệnh: “Truy cập Dân trí chấm com”, lập tức giao diện của trang web bạn yêu cầu sẽ hiển thị ngay bên trong giao diện ứng dụng.
Ứng dụng cũng cho phép người dùng tìm kiếm đường đi, chẳng hạn với khẩu lệnh “tìm đường đến một địa điểm nào đó”, VAV sẽ tự động kích hoạt ứng dụng bản đồ Google Maps và chỉ đường cụ thể từ vị trí của bạn đến vị trí cần đến.
Người dùng cũng có thể sử dụng VAV để kích hoạt nhanh một ứng dụng chỉ bằng cách đọc tên của ứng dụng đó, điều này sẽ giúp người dùng truy cập nhanh hơn vào các ứng dụng mà mình yêu thích.
Những chức năng mà người dùng có thể yêu cầu thực hiện qua VAV:
- Định vị các địa chỉ, địa danh (tòa nhà, cây cầu, đường phố, ngã tư, …) trên bản đồ.
- Tìm đường trên bản đồ, từ vị trí hiện tại hoặc từ một địa chỉ tới một địa chỉ khác.
- Duyệt web, truy cập một trang web bất kỳ.
- Thông tin về thời tiết tại một địa danh nào đó vào một thời gian nào đó.
- Đặt chuông báo thức (alarm) và nhắc nhở (reminder).
- Đặt lịch (calendar) cho các cuộc gặp, cuộc họp, …
- Hỏi ngày âm lịch (ví dụ: âm lịch hôm nay bao nhiêu?)
- Thực hiện thiết lập và thay đổi cài đặt của máy (settings): bật/tắt định vị, bật/tắt bluetooth, …
- Gọi điện, nhắn tin cho một số điện thoại hoặc cho ai đó trong danh bạ của bạn.
- Quản lý danh bạ (mở danh bạ, tìm kiếm, lưu số vừa gọi vào danh bạ, …)
- Mở, kiểm tra và gửi email.
- Mở và ghi chép note.
- Mở bất kỳ một ứng dụng nào bạn đã cài đặt (Facebook, Zalo, Youtube, …)
- Mở những bản nhạc, bài hát bạn yêu thích.
- Chụp ảnh, quay video và xem lại những bức ảnh của bạn.
- Hỏi thông tin giá vàng.
- Tìm kiếm thông tin bất kỳ trên Google.
Ưu điểm lớn nhất của VAV đó là hỗ trợ ngôn ngữ tự nhiên, người là người dùng có thể sử dụng ngôn ngữ nói của mình để ra lệnh cho VAV, thay vì sử dụng các khẩu lệnh bị bó buộc, điều này giúp cho việc sử dụng VAV được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm của VAV đó là chưa ở chế độ tự động kích hoạt khi nghe khẩu lệnh (tương tự như Siri hay Google Now) mà người dùng phải kích hoạt VAV để dùng ứng dụng này. Dẫu sao đây vẫn chỉ mới là phiên bản đầu tiên và rất có thể tính năng kích hoạt bằng khẩu lệnh sẽ được xuất hiện ở các phiên bản sau.
Để sử dụng VAV được thuận tiện hơn, người dùng có thể kích hoạt phím tắt của ứng dụng này. Từ giao diện chính, bạn nhấn vào biểu tượng chiếc thuyền (nằm bên trái biểu tượng micro của VAV). Bây giờ, một biểu tượng của VAV sẽ luôn được hiển thị trên màn hình ứng dụng, giúp bạn có thể kích hoạt nhanh “trợ lý ảo” VAV.
Trong quá trình thử nghiệm cho thấy VAV nhận diện rất tốt các khẩu lệnh của người dùng, dù sử dụng bằng giọng Bắc, Trung hoặc Nam. Các yêu cầu đều được VAV thực hiện một cách chuẩn xác, như truy cập trang web, đặt hẹn giờ, kích hoạt ứng dụng, tra cứu thông tin giá vàng...
Nhìn chung, VAV là một ứng dụng rất thú vị và hữu ích, một trợ lý ảo thực thụ mà người dùng Việt Nam không nên bỏ qua trên chiếc smartphone chạy Android của mình.
Video trải nghiệm thực tế VAV (Video: Tinhte.vn)
Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)