Thảm kịch Virginia:
Trò chơi điện tử có phải là nguyên nhân?
(Dân trí) - Tìm ra nguyên nhân sâu xa của các thảm kịch sát nhân hàng loạt như tại trường Virginia Tech, Mĩ tuần rồi không phải dễ. Một lần nữa, người ta lại quay về chủ đề gây tranh cãi: liệu các trò chơi điện tử và phim ảnh bạo lực có thực sự ảnh hưởng đếnn sự phát triển nhân cách người trẻ?
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mĩ, nhà tâm lý học Phil McGrau phát biểu: “Những kẻ sát nhân hàng loạt của ngày mai chính là những đứa trẻ của hôm nay, được”lập trình” sẵn bởi những liều thuốc bạo lực tràn ngập trên các phương tiện nghe nhìn.
Không cần đến kiến thức chuyên sâu, bất kì ai cũng có thể thấy tác hại vô cùng lớn của những cảnh bạo lực, đặc biệt là trong các trò chơi điện tử (video game). Thay vì bị trừng phạt, những đứa trẻ chơi game lại được tán dương khi giết càng nhiều người càng tốt.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một người bị mắc chứng suy nhược, trầm cảm, lại đồng thời đã được làm quen với việc giết người trong game một ngày nào đó bị đổ vỡ về tinh thần? Đứa trẻ của ngày hôm qua sẽ biến thành tên sát nhân của ngày hôm nay”.
Tuy nhiên không phải tất cả các nhà chuyên môn đều đồng ý với quan điểm đổ vấy toàn bộ lỗi lầm cho trò chơi điện tử. Craig Anderson, giáo sư tâm lý học tại đại học bang Iowa, Mĩ, người gần đây công bố nghiên cứu về “Ảnh hưởng của trò chơi điện tử đến thanh thiếu niên” cho rằng “các hành động bất thường trong đời thực không bao giờ là hệ quả của một nguyên do đơn lẻ”. Theo ông, “thực đơn bạo lực” hàng ngày được cung cấp qua phim ảnh và trò chơi điện tử chỉ góp phần làm tăng tính hung bạo và các hành động bất thường, chứ không phải nhân tố quyết định. Đồng nghiệp của Anderson cũng cho rằng không một nhà chuyên môn nào dám khẳng định trò chơi điện tử, phim ảnh và âm nhạc bạo lực là thủ phạm cho các vấn đề xã hội hiện nay.
Trên thực tế, tập trung phê phán các phương tiện thông tin giải trí có thể lái mối quan tâm của xã hội khỏi các nguyên nhân sâu xa hơn, như lạm dụng tình dục trẻ em, nghèo đói, thiếu hoà nhập xã hội, sự sao nhãng trách nhiệm của cha mẹ và ngân quỹ cho giáo dục bị thu hẹp khiến nhà trường mất khả năng theo sát các vấn đề tâm lý của học sinh. Thậm chí các tiến bộ trong điều trị các chứng bệnh tâm thần cũng góp phần làm tăng số lượng học sinh có vấn đề về tâm lý trong trường học, đồng nghĩa với tăng hiểm hoạ.
Elliott Curie, giáo sư tội phạm học tai đại học California cho biết ông không cho rằng các hành động bạo lực được sinh ra từ các game cổ suý bạo lực. Đó chỉ là một phần của quá trình kéo dài hàng năm trời, lặp đi lặp lại ngày càng trầm trọng. Trong trường hợp của Cho Seng-Hui, thủ phạm của thảm hoạ Virginia Tech, gia đình và bè bạn chứng kiến hắn trầm cảm, hành động bất thường một thời gian dài trước khi vụ việc thực sự xảy ra.
Currie kết luận: cứ hàng ngàn đứa trẻ thì chỉ có một hai cá thể thực sự bị ảnh hưởng bởi trò chơi bạo lực. Nguyên nhân chính của vấn đề là sự thiếu quan tâm săn sóc của gia đình và xã hội, chứ không phải là hành động bạo lực trên các phương tiện nghe nhìn.
Hoàng Hải
Theo Reuters