Trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua trí tuệ con người trong trận đấu đáng mong đợi?

(Dân trí) - AlphaGo, phần mềm trí tuệ nhân tạo do Google phát triển từng đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol vào năm ngoái, sẽ một lần nữa thách thức trí thông minh con người trong môn thể thao trí tuệ được đánh giá là phức tạp nhất khi sẽ đối đầu với kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới hiện nay, Ke Jie.

AlphaGo, phần mềm trí tuệ nhân tạo do Deepmind, công ty con của Google xây dựng và phát triển, đã từng khiến giới công nghệ phải ngỡ ngàng khi chiến thắng áp đảo nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Se-dol. Trong trận thư hùng được đánh giá là đại diện cho trí tuệ nhân tạo và trí tuệ của con người vào tháng 3/2016, AlphaGo đã đánh bại kỳ thủ cờ vây người Hàn Quốc với tỷ số 4-1 sau 5 ván đấu.

Ke Jie (ngoài cùng bên phải) đang giải thích về “vẻ đẹp” của cờ vây với CEO Sundar Pichai của Google (người mặc áo sơ mi trắng)
Ke Jie (ngoài cùng bên phải) đang giải thích về “vẻ đẹp” của cờ vây với CEO Sundar Pichai của Google (người mặc áo sơ mi trắng)

Kết quả này cho thấy trí tuệ nhân tạo đã vượt qua được trí tuệ con người ở cờ vây, môn thể thao trí tuệ được đánh giá là phức tạp nhất và từng được nhiều chuyên gia công nghệ tự tin rằng trí tuệ nhân tạo không thể đánh bại được con người.

Giờ đây, trí tuệ của AlphaGo một lần nữa thách thức trí tuệ của nhân loại cũng như một lần nữa chứng minh chiến thắng trước Lee Se-dol không phải là may mắn khi sẽ đối đầu với kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới hiện nay, Ke Jie.

Mặc dù mới 19 tuổi tuy nhiên kỳ thủ cờ vây người Trung Quốc Ke Jie đang được xếp hạng nhất trong làng cờ vây thế giới. Ke Jie bắt đầu chơi cờ vây chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi và từng đánh bạn Lee Se-dol một vài lần trong những trận đấu cờ vây chuyên nghiệp vài năm trở lại đây. Có thể nói, Ke Jie xứng đáng là “cục đá tảng” để ngăn chặn AlphaGo vượt qua trí tuệ của con người.

Tại Hội nghị về môn cờ vây Future of Go diễn ra tại tỉnh Chiến Giang (Trung Quốc) từ ngày 23 đến 27/5 tới đây, Ke Jie sẽ đối đầu với AlphaGo trong trận đấu cờ vây gồm 3 ván. Ngoài ra, một trận đấu khác sẽ là sự đối đầu giữa 5 kỳ thủ chuyên nghiệp hàng đầu của Trung Quốc hợp tác để đối đầu với AlphaGo và một trận đấu mà AlphaGo sẽ đánh cùng lúc 5 ván với 5 cao thủ cờ vây này.

Sau chiến thắng áp đảo của Alpha Go trước Lee Se-dol, trận đấu giữa AlphaGo và Ke Jie càng đặc biệt được quan tâm hơn, như để tìm ra câu trả lời liệu trí tuệ nhân tạo đã có thể vượt qua được trí tuệ của con người hay chưa.

AlphaGo là phần mềm trí tuệ nhân tạo được DeepMind (một công ty con của Google) phát triển từ năm 2014, sử dụng hệ thống mạng lưới thần kinh được nghiên cứu từ cơ sở dữ liệu của 100.000 trận đấu cờ vây của con người, sau đó chương trình sẽ tự động cải thiện khả năng ghi nhận và xử lý tình huống. AlphaGo có khả năng tự học để cải thiện trình độ của mình theo thời gian, sau mỗi trận đấu.

Cờ vây được cho là ra đời tại Trung Quốc cách đây gần 2.500 năm, chơi bằng cách đặt những quân cờ màu đen hoặc trắng lên bàn cờ gồm ma trận các hình vuông (tạo ra bởi 19 đường ngang và 19 đường dọc). Khi một quân cờ bị vây quanh bởi các quân cờ màu sắc khác sẽ bị bắt giữ. Mục đích của trò chơi là kiểm soát ít nhất 50% bàn cờ.

Cờ vây được thừa nhận là trò chơi có nước đi biến hóa và đa dạng nhất trong các loại cờ, vượt trội so với cờ vua hay cờ tướng. Do vậy, đây là một thử thách không nhỏ cho các chương trình máy tính cũng như các nhà lập trình nên chúng. Dạy cho máy tính làm chủ được cờ vây được xem là “chén thánh” và là mục tiêu nhắm đến của các nhà khoa học trí tuệ nhân tạo.

“Cờ vây là trò chơi sâu sắc nhất mà nhân loại đã từng nghĩ ra”, Demis Hassabis, CEO của Google DeepMind, bộ phận phát triển AlphaGo, chia sẻ. “Cờ vây là một trò chơi chủ yếu về trực giác và cảm nhận, đòi hỏi một chiến thuật hợp lý, điều này khiến cho cờ vây trở thành rất phức tạp để máy tính có thể nắm bắt và chơi tốt”.

Dĩ nhiên, Google không chỉ muốn phát triển một cỗ máy trí tuệ nhân tạo để có khả năng đánh bại con người trong môn cờ vây, mà dự định trong tương lai sẽ áp dụng những thuật toán với cách suy nghĩ như con người này vào những cỗ máy nhân tạo có khả năng đưa ra các giải pháp phù hợp trong nhiều lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, dự báo thời tiết...

Google đã mua lại DeepMind, công ty có trụ sở tại Anh, vào năm 2014 như một nỗ lực để tăng cường danh mục đầu tư của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robot.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm