Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF ASEAN 2018:

Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những ngành công nghiệp hàng tỷ USD cho ASEAN

(Dân trí) - Các công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích đáng kể với tất cả các lĩnh vực trên toàn thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng trong thập kỷ tới. ASEAN sẽ có những ngành công nghiệp trị giá hàng ngàn tỷ USD trong thời gian tới.

Hãng công nghệ Cisco (Mỹ) đã hợp tác với hãng nghiên cứu, phân tích và dự đoán kinh tế thế giới Oxford Economics (Anh) để thực hiện một cuộc nghiên cứu về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đến lực lượng lao động tại khu vực Đông Nam Á. Kết quả của cuộc nghiên cứu đã được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra vào chiều nay tại Hà Nội.

Theo ông Naveen Manon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu về sự tác động của AI đến công ăn việc làm của người lao động, tuy nhiên lại chưa có nghiên cứu nào để chỉ ra rằng AI sẽ tác động cụ thể đến các quốc gia như thế nào, quốc gia nào, mảng công ăn việc làm nào... sẽ chịu nhiều hay ít tác động từ AI... và nghiên cứu của của Cisco đã chỉ rõ sự tác động này đối với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á trong vòng một thập kỷ tới.

Ông Naveen Manon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, công bố kết quả nghiên cứu tác động của AI đối với lực lượng lao động tại 6 quốc gia Đông Nam Á
Ông Naveen Manon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, công bố kết quả nghiên cứu tác động của AI đối với lực lượng lao động tại 6 quốc gia Đông Nam Á

Nghiên cứu của Cisco được thực hiện tại 6 quốc gia ở ASEAN (Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines) chỉ ra rằng tại 6 quốc gia được nghiên cứu hiện có 630 triệu dân, trong đó 90% người có cơ hội tiếp cận với Internet. Cisco tin rằng tại ASEAN sẽ có những ngành công nghiệp trị giá hàng ngàn tỷ USD trong thời gian tới, với những bước đột phá dựa trên công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Các công nghệ dựa trên AI sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn về mô hình hoạt động, nhiều kỹ năng hiện có sẽ trở nên dư thừa trong tương lai. Trong đó những người lao động với kỹ năng thấp sẽ phải chịu nhiều rủi ro nhất, đặc biệt các ngành chịu nhiều sự tác động của AI đó là dịch vụ và nông nghiệp.

Theo Cisco, nhìn chung AI sẽ tạo ra thêm 4,5 triệu công việc mới tại khu vực ASEAN trong vòng một thập kỷ tới, trong đó 1,8 triệu công việc tạo ra trong ngành bán buôn bán lẻ; 0,9 triệu công việc trong ngành chế tạo; 1 triệu công việc trong ngành xây dựng; 0,4 triệu công việc trong khối khách sạn, nhà hàng, một số ngành dịch vụ khác; 0,2 triệu công việc trong lĩnh vực quản lý công...

Dù vậy, trong vòng một thập kỷ tới, sẽ có đến 28 triệu (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) công ăn việc làm sẽ bị giảm đi và thay thế bởi AI, trong đó mỗi quốc gia sẽ có các loại hình công việc bị ảnh hưởng khác nhau.

Trong đó Singapore sẽ là quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 21% (tương đương 500.000 công ăn việc làm) tổng lực lượng lao động bị thay thế. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ công ăn việc làm chịu ảnh hưởng lớn thứ 2 tại khu vực ASEAN, với 13,8% (tương đương 7,5 triệu công ăn việc làm) lực lượng lao động bị ảnh hưởng. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Thái Lan với 12% (tương đương 4,9 triệu), Philippines với 10% (tương đương 4,5 triệu), Indonesia với 8% (tương đương 9,5 triệu) và Malaysia với 7,4% (tương đương 1,2 triệu) tổng lực lượng lao động bị ảnh hưởng.

Trong số 28 triệu người lao động bị ảnh hưởng, 6,6 triệu người sẽ cần phải có những kỹ năng mới để thay thế hoặc phải chuyển sang làm việc ở một công việc hoàn toàn mới, thậm chí phải dịch chuyển sang các quốc gia khác để tìm kiếm công việc.

“6,6 triệu người lao động với các kỹ năng sẽ không còn cần thiết trong tương lai, cần phải dịch chuyển ngành nghề, phải học kỹ năng công việc mới hoặc cần phải chuyển từ nước này sang nước khác để làm việc”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN, cho biết. “Chẳng hạn người lao động tại Philippines sẽ phải chuyển sang làm việc tại Việt Nam vì công việc đó không còn cần thiết tại Philippines...”.

Tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo trước xu thế phát triển của AI

Theo ông Naveen Menon, với sự phát triển của AI thì các quốc gia cần phải có một lực lượng lao động mang tính chất linh hoạt hơn.

“Vậy làm cách nào để đạt được điều đó?”, ông Menon đưa ra câu hỏi.

Câu trả lời được vị Chủ tịch Cisco khu vực ASEAN đưa ra đó là “Giáo dục và đào tạo”. Theo ông Menon, các quốc gia có thể thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo chính thức. Các cơ quan về giáo dục cần phải sửa đổi lại chương trình đào tạo trong tương lai. Những thay đổi về chính sách của chính phủ để tạo điều kiện cho công dân của mình có thể được đào tạo lại các kỹ năng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo lại các nhân viên của mình để phù hợp với sự thay đổi trong thời gian tới.

Việt Nam cần làm gì trước sự tác động của AI đến người lao động

Theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, chắc chắn ngành kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trước sự tác động của AI, tuy nhiên Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi này, bao gồm việc áp dụng công nghệ để có thể khắc phục những thách thức, chớp lấy những cơ hội và vận hội mới...

Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, cho rằng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, cho rằng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai

Bà Thủy cho biết Việt Nam hiện vẫn đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chi phí lao động vẫn còn khá thấp là một trong những lý do chính. Bù lại, một thách thức lớn của Việt Nam đó là đa số người lao động Việt Nam vẫn chưa có kỹ năng cao hoặc chưa lành nghề. Bên cạnh đó lợi thế nhân công rẻ có thể sẽ thay đổi trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Dựa trên báo cáo của Cisco, bà Thủy cho rằng chính phủ cần phải có những giải pháp để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người lao động, nếu không Việt Nam sẽ rất khó để vượt qua các thách thức đã kể ra ở trên và mất đi sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

T.Thủy