DNews

Trí tuệ nhân tạo có phải mối đe dọa của nhân loại?

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Các chuyên gia khẳng định, con người vẫn hoàn toàn "làm chủ cuộc chơi", và máy móc sẽ luôn bị hạn chế về khả năng của chúng.

Trí tuệ nhân tạo có phải mối đe dọa của nhân loại?

Trong một thế giới mà công nghệ đang phát triển nhanh chóng và trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên thông minh hơn, một câu hỏi lớn đã đè nặng lên ý thức chung của chúng ta.

Đó là liệu AI - Trí tuệ nhân tạo có thể chiếm lĩnh thế giới?

Trên thực tế, khả năng AI kế thừa nhân loại, giống như ý tưởng trong bộ phim Terminator, không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa, mà đã trở thành mối lo ngại được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phải vật lộn giải quyết.

Nỗi sợ AI

Từ thời cổ đại, con người đã sớm hình thành những nỗi sợ từ sâu trong tiềm thức. Chúng ta sợ những thứ không thể chạm vào, sợ những thứ mà ta cảm thấy rằng chúng mang lại mối đe dọa, và hơn hết là sợ những thứ mà ta chưa hiểu.

Nỗi sợ về việc AI có thể đe dọa nhân loại, thậm chí tiếp quản nền văn minh của chúng ta trên thực tế bắt nguồn từ ý tưởng máy móc vượt qua trí thông minh của con người, để rồi đưa ra những quyết định độc lập, dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Trí tuệ nhân tạo có phải mối đe dọa của nhân loại?  - 1

Đây là mối quan ngại thực sự khi chúng ta vẫn đang phát triển các công nghệ ngày càng tiên tiến, như xe tự lái, nhà thông minh... vốn dựa vào AI để đưa ra quyết định thay cho người dùng.

Một khả năng khác là máy móc có thể trở nên tiên tiến đến mức, chúng "hack" vào các hệ thống thiết yếu như lưới điện và hệ thống tài chính, kiểm soát các khía cạnh quan trọng của xã hội loài người.

Cũng không loại trừ khả năng về những robot tự hành, có thể hoạt động như một đội quân, chế ngự con người và chiếm lấy thế giới, giống như ý tưởng trong bộ phim Terminator.

Theo thời gian, những viễn cảnh tiềm năng này không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà chúng thực sự là những mối đe dọa cần phải được giải quyết trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, con người vẫn hoàn toàn "làm chủ cuộc chơi", và máy móc sẽ luôn bị hạn chế về khả năng của chúng.

Vì sao AI khó vượt qua con người?

Tại tọa đàm "Triển khai AI trong thực tế", GS Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, người được mệnh danh "cha đẻ" của AI, đã lên tiếng trấn an về những mối đe dọa mà công nghệ AI có thể mang lại.

Ông cho rằng, AI còn lâu mới vươn được tới trí thông minh của con người. Đó là vì AI chưa có khả năng suy xét, lý luận.

Để máy móc thống trị thế giới, trước hết, chúng thực sự cần phải có động cơ và mong muốn thúc đẩy điều này. Tuy nhiên, máy móc không phải là sinh vật có tri giác và chúng không có khả năng tự nhận thức, cũng như cảm xúc.

Trí tuệ nhân tạo có phải mối đe dọa của nhân loại?  - 2

GS Yann LeCun, người được mệnh danh "cha đẻ" của AI, tham dự tọa đàm tại tuần lễ khoa học VinFuture 2024 (Ảnh: BTC).

Điều này có nghĩa là máy móc không có mong muốn thống trị thế giới hoặc bất kỳ động cơ nào khác. Ý tưởng đó vẫn chỉ luôn nằm trong tư duy của chúng ta- con người.

"AI không phải mối đe dọa của nhân loại", GS Yann LeCun khẳng định. "Trên thực tế, AI vẫn chưa đạt được trí thông minh của một con mèo".

Ông dẫn chứng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hiện mới chỉ có khả năng đoán từ, chứ chưa thể đoán hình ảnh. Ví dụ khi đưa một đoạn video và yêu cầu AI dự đoán hình ảnh tiếp theo, AI đã đưa ra các dự đoán sai hoàn toàn do AI chưa có thế giới quan để hiểu cách vận hành của các sự vật, sự việc.

Điều đáng chú ý là AI không phải là một thực thể đơn lẻ, mà là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn bao gồm nhiều loại công nghệ và ứng dụng khác nhau.

Do đó, không có khả năng một hệ thống hoặc ứng dụng AI đơn lẻ có thể trở nên mạnh đến mức thống trị thế giới.

Theo chuyên gia tới từ Meta, chúng ta không nên sợ hãi, mà cần tập trung vào khả năng tận dụng cho các cơ hội mà AI mang lại.

Sử dụng AI để loại bỏ nỗi lo từ AI

Theo GS Yann LeCun, AI nên được coi là kho chứa đựng kiến thức của toàn nhân loại, và nó cần được tồn tại, cũng như cung cấp dưới dạng các nền tảng AI mã nguồn mở.

"Cách tốt nhất để chống lại AI, là dùng AI", GS Yann LeCun chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tế, GS LeCun cho biết, công nghệ AI đã đạt được những bước tiến ấn tượng trong việc tự động phát hiện và gỡ bỏ các bài viết thù địch trên các nền tảng của Meta.

Trí tuệ nhân tạo có phải mối đe dọa của nhân loại?  - 3

Theo đó, số lượng các bài phát ngôn thù địch được AI phát hiện và loại bỏ đã tăng từ 25% vào năm 2017 lên đến 95% vào năm 2023. Điều này cho thấy sự phát triển vượt bậc của AI trong việc hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm cả tiếng Việt.

Không chỉ Meta, các tập đoàn lớn như Google, Microsoft... cũng sử dụng AI để phát hiện những lỗ hổng bảo mật tiềm năng trên hệ thống, thay vì dựa vào cách tìm thủ công.

Đầu tháng 11, CEO Sundar Pichai của Google cho biết công ty đang sử dụng các công cụ AI nội bộ để viết hơn 25% số lượng mã lập trình mới của họ, sau đó những đoạn mã lập trình này được các kỹ sư của Google xem xét lại trước khi sử dụng thực tế.

"Google đang sử dụng AI tự phát triển để cải thiện quy trình lập trình, giúp tăng năng suất và hiệu quả", Sundar Pichai cho biết.

"Hiện nay, hơn 25% tổng số mã lập trình mới tại Google được tạo ra bởi AI, sau đó được các kỹ sư con người xem xét và chấp nhận. Điều này sẽ giúp các kỹ sư của chúng tôi làm được nhiều việc và tiến lên nhanh hơn".

GS Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Mỹ), "cha đẻ" của lý thuyết học máy, cho rằng chỉ nên dùng AI như một ứng dụng trung gian giúp con người làm tốt hơn việc họ đang làm.

"AI làm tăng năng lực của chúng ta trong các lĩnh vực khác nhau và đó mới là mục đích quan trọng nhất", vị chuyên gia này cho biết.

Trên thực tế, tư duy cởi mở AI nói riêng và công nghệ nói chung, từ lâu đã là một điểm mạnh của người Việt Nam. Đây là điều được GS Yann LeCun đặc biệt nhấn mạnh trong chuyến ghé thăm dải đất chữ S.

Ông nói: "Việt Nam dân số trẻ, có thái độ tích cực với phát triển công nghệ, khác biệt với các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ... vốn có tâm lý lo sợ, e ngại với AI".

Theo GS Yann LeCun, Chính phủ Việt Nam nên trao thêm cơ hội cho người trẻ, tăng cường giáo dục công nghệ, đầu tư, tạo cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp, cũng như các chuyên gia nước ngoài có cơ hội tới Việt Nam và góp chất xám cho quá trình phát triển đất nước.

Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4/12 đến 7/12 tại Hà Nội.

Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường… Tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc, đang góp phần phụng sự cho cuộc sống.

Bước sang năm thứ 4, Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture ghi dấu ấn là một trong những sự kiện thường niên tâm điểm được đón chờ nhất của giới khoa học công nghệ toàn cầu.