Trẻ em sử dụng Internet rất dễ bị quấy rối

(Dân trí) - Gần một phần ba trong số trẻ dưới 18 tuổi sử dụng Internet đã từng bị kẻ khác quấy rối qua mạng dưới nhiều hình thức khác nhau, kết quả trên được ghi nhận trong một báo cáo mới đây của PIALP - chương trình nghiên cứu tác động của Internet với cuộc sống của người dân Mỹ.

Theo báo cáo nói trên của Pew Internet & American Life Project (PIALP), những loại hình quấy rối qua mạng phổ biến nhất bao gồm tung tin đồn nhảm ác ý, đưa những bức ảnh riêng tư lên nơi công cộng, phổ biến các đoạn chat qua Messenger, hoặc thậm chí gửi tin nhắn đe doạ “hỏi thăm sức khoẻ”.

Qua bản báo cáo được thực hiện tuần vừa rồi, phỏng vấn gần 1 ngàn trẻ từ 12 đến 17 tuổi, PIALP – Mĩ - kết luận “Hiện tượng bắt nạt lẫn nhau đã lan đến không gian ảo”. Những cô cậu bé yếu ớt không chỉ bị bạn bè đồng tuổi bắt nạt với lời nói xấu cố ý, trêu chọc ở chốn đông người mà giờ đây còn bị đe doạ cả trên mạng. Đây là vấn đề cực kì nghiêm trọng, vì trẻ em thường cảm thấy mình được ẩn danh trong thế giới ảo và không có trách nhiệm với hành động của mình.

Một cậu bé trai 15 tuổi khi được phỏng vấn đã thừa nhận doạ giết một cô bé khác qua tin nhắn. Cậu cho rằng “Cháu chỉ đùa bỡn với nó, chứ không có gì nghiêm trọng cả. Cháu bảo nó rằng cháu sẽ đến nhà, giết nó và vứt xác vào rừng. Nó phát hoảng và kêu lên “Tôi sẽ gọi cảnh sát”, và được nhắn lại “không có gì, chỉ đùa tí thôi mà”.

15% trẻ vị thành niên có sử dụng Internet cho biết các thư điện tử cá nhân, tin nhắn đã bị gửi đến người thứ 3 hoặc phổ biến rộng rãi mà khong được phép của mình. 13% cho hay có lời đồn ác ý về bản thân lưu truyền trên mạng, và 13% khác đã từng nhận các thư điện tử hoặc tin nhắn qua mạng, qua điện thoại với lời lẽ ác ý. Ít nhất 1/3 số trẻ được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối qua mạng, nhưng nhìn chung hình thức này vẫn chưa phổ biến như trong đời thực.

Một vấn đề khác mà trẻ vị thành niên tỏ ra quan ngại là nội dung trên blog hoặc website. Một cô bé cho biết đối thủ trong cuộc tranh luận trên blog của cô – cũng là một bé gái – đã sửa chữa một số đoạn đối thoại và đem in ra, sau đó đem đến trường để reo rắc hiểu lầm.

Những trẻ có vấn đề về giới tính cũng không thoát. Một cô bé kể lại trường hợp người bạn của cô – bị gay – từng bị hack mất tài khoản và bị đe doạ bằng những bức ảnh khủng khiếp.

Nhà nghiên cứu của PIALP, Amanda Lenhart kết luận mặc dù các hình thức “khủng bố” qua mạng còn chưa phổ biến, nhưng tác hại của chúng lại bị nhân lên nhiều lần do bản chất truyền bá thông tin của internet: hơn 93% số trẻ được hỏi cho biết mình có sử dụng Internet: “Trong quá khứ, những đứa trẻ tội nghiệp bị bạn bè cô lập, xa lánh hoặc trêu chọc giữa sân trường. Giờ đây, chỉ cần vài cú click chuột, một bức ảnh, đoạn phim hoặc một đoạn đối thoại có thể được phát tán qua hàng trăm email hoặc qua hàng ngàn người khác bằng blog, website..”

Hoàng Hải
Theo PCWorld

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm