Trắng trợn trò giả mạo lệnh bắt tạm giam để lừa đảo qua điện thoại

(Dân trí) - Không chỉ giả mạo công an đe dọa qua điện thoại, một số đối tượng còn giả cả lệnh bắt tạm giam khiến các nạn nhân lo sợ và thực hiện các yêu cầu mà chúng mong muốn.

Choáng với lệnh tạm giữ 

Thời gian gần đây, Dân trí liên tiếp nhận được các phản ánh của người dùng về tình trạng nhiều đối tượng giả mạo công an gọi điện đe dọa vì liên quan đến các vụ án đánh bạc, ma túy và đề nghị hợp tác để điều tra. 

Trắng trợn trò giả mạo lệnh bắt tạm giam để lừa đảo qua điện thoại - 1

Giả mạo công an, toà án đe dọa người dân qua điện thoại

Trong trường hợp mà Dân trí đã phản ánh tuần qua, anh Đ.H (ngụ quận 8, TPHCM) bị đe dọa qua điện thoại vì liên quan đến chơi cờ bạc online. Ban đầu, anh Đ.H rất lo sợ vì liên tiếp bị "thẩm vấn" qua điện thoại từ công an cho đến toà án... Tuy nhiên, lấy lại bình tĩnh, anh Đ.H nhận ra đó lừa đảo và kịp thời ngừng trao đổi  qua điện thoại với các đối tượng này. 

Và cũng trong tuần qua, một trường hợp khác tương tự và biến tướng khủng khiếp hơn, đó là trường hợp của chị H.O (ngụ Đồng Nai) được chia sẻ trên Facebook cá nhân. Vụ việc của chị có diễn tiến tương tự vụ của anh Đ.H, sẽ có một cuộc gọi thông báo từ bưu điện khẩn và yêu cầu chị ra bưu cục để nhận gấp. Vì lý do bận việc, chị H.O không thể ra nhận nên yêu cầu nhân viên bưu điện này mở ra và đọc giúp thông tin bên trong. 

Thư bên trong được thông báo là "Thư triệu tập tại tòa án" đối với chị H.O với khoảng nợ 960 triệu đồng. Đáng chú ý, nhân viên bưu điện này còn đọc cả CMND đúng như thông tin cá nhân của chị H.O và kèm số tài khoản ngân hàng. Điều này khiến chị càng lo sợ và không biết mình dính líu đến vụ việc gì. Nhân viên bưu điện tiếp tục nói rằng đây là cuộc gọi miễn phí và sẽ nối máy tiếp cho chị đến số điện thoại của phía công an để tiếp tục làm việc. 

Đầu dây bên phía giả mạo công an tự xưng tên Dương Văn Minh, cấp bậc thiếu tá yêu cầu chị hợp tác với công an điều tra vụ việc. Đối tượng này cũng yêu cầu chị H.O không được tắt máy và đây là cuộc gọi ghi âm miễn phí. "Nếu chị tắt máy sẽ có những số lạ khác nhau gọi đến cho chị, thủ phạm đang theo dõi chị và tôi, chị hãy bốc máy và hợp tác với công an nếu chị không phải là tội phạm", đối tượng này tiếp tục đe dọa chị. 

Chị H.O chia sẻ trên Facebook, vì chưa từng gặp phải trường hợp này bao giờ và không biết chuyện gì đang xảy ra, nên chị phải giữ máy liên tục từ 12h đến 15h 30 phút (tức hơn 3 tiếng rưỡi).  

Trong khoảng thời gian đó, đối tượng giả mạo công an liên tiếp đe dọa chị và nói rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng có liên quan đến rửa tiền và buôn bán ma tuý xuyên quốc gia từ Campuchia, Lào, Việt Nam, Sing... và các quốc gia khác. Đối tượng này nói sẽ chuyển máy của chị đến cấp trên để tiếp tục xử lý. 

Trắng trợn trò giả mạo lệnh bắt tạm giam để lừa đảo qua điện thoại - 2

Giả mạo cả lệnh bắt tạm giam

Một cuộc gọi nối máy tiếp đến một "lãnh đạo" cao hơn và thông tin cho chị H.O biết là đang tạm giam những đối tượng như: "Trùm ma tuý mang tên Nguyễn Thanh Long và có khai là sau khi chị vận chuyển hàng xong, chị đã nhận 1 tỷ rưỡi qua tài khoản BIDV trên; Bà Phạm Thị Anh Thư chuyển cho chị qua tài khoản ngân hàng Đông á với 6 tỷ. Chị có phải chủ 2 tài khoản trên và quen biết 2 người này không? Nếu chị là đồng phạm khai báo gấp để được khoan hồng. Nếu mà không phải buộc 2 ngân hàng trên bồi thường danh dự cho chị, và phải xin lỗi chị".

Chị H.O cho biết: "Tôi nghe xong là bật khóc và rủ rượi chân tay luôn. Khi đó tôi xin phép cúp máy để gặp người thân. Nhưng người công an đó không cho và tiếp tục nói tôi: Nếu chị không phải là thủ phạm thì có thể người thân và đồng nghiệp hoặc những ngân hàng chị đứng tên sẽ là thủ phạm tránh rò rỉ thông tin".

Tiếp tục đe dọa, người giả mạo công an này cho chị 2 phương án lựa chọn: một là phát lệnh bắt chị ngay lập tức và hai là hợp tác với chúng tôi, thành khẩn, để tìm ra kẻ đứng sau lưng giả mạo chị. Và chị đã chọn phương án 2 để làm việc tiếp tục với các đối tượng trên. 

Khi biết nạn nhân đã vào tròng, các đối tượng này tiếp tục yêu cầu chứng minh cho chúng những tài sản của chị không liên quan đến ma tuý. Chúng còn yêu cầu chị về nhà, ghi lại những sổ tiết kiệm mà chị có để chúng kiểm tra. 

Để gây khủng hoảng tinh thần cho các nạn nhân, lần này chúng còn gửi qua điện thoại một lệnh bắt tạm giam từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đích danh người đang bị chúng đe dọa. 

Chi H.O cho biết, rất may có một người bạn làm công an về ma túy, chị đã gửi lệnh bắt qua và hỏi ý kiến thì mới biết đang bị lừa đảo qua điện thoại. Chị đã vội cúp máy các đối tượng trên và chưa gửi các thông tin về tài khoản tiết kiệm. 

Nên tắt máy ngay lập tức 

Việc lừa đảo qua điện thoại đã không còn xa lạ trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên hình thức này đang biến tướng liên tục, từ việc đe dọa qua điện thoại, chúng còn giả mạo giấy tờ của các cơ quan điều tra... Người dân hết sức cận trọng. 

Đại diện VNPT trước đó khẳng định họ không áp dụng hình thức thông báo qua hộp thư tự động đến khách hàng với các nội dung nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện như trên. Vì vậy tất cả các cuộc gọi có dấu hiệu như trên đều là các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo.
VNPT cũng khuyến cáo khách hàng nên cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu như trên. Nếu gặp phải trường hợp như vậy khách hàng nên dập máy, không thực hiện theo các hướng dẫn của đối tượng, đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản khác theo yêu cầu của người lạ. 

Về việc thông tin cá nhân bị lộ như hiện nay, theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành công ty bảo mật NTS Security nhận định, hiện nay thông tin cá nhân của công dân gần như công khai. Từ khai báo thông tin cho phường, cho ngân hàng, cho sim điện thoại, cho các thủ tục hành chính, trả góp, vé máy bay... Chỉ cần hacker tấn công 1 trong những nguồn trên là có khá đầy đủ thông tin của các cá nhân.

Nhưng kẻ lừa đảo dùng các thông tin xác thực đã có để lừa đảo nạn nhân và lấy thêm những thông tin chúng chưa có như số tài khoản tiết kiệm ngân hàng, các mã số chuyển tiền để lừa đảo tài sản.

Việc cung cấp thông tin cá nhân của công dân không có kiểm soát và không cần thiết. Hệ thống bảo mật của các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ tiện ích của doanh nghiệp có thể tạo ra hệ lụy nguy hiểm cho các cá nhân công dân dễ bị lừa đảo.

Từ đó, ông Vũ cho rằng, trong tình thế thông tin cá nhân dễ bị lộ và không thể từ chối cung cấp thông tin cá nhân cho các bên dịch vụ, người dân nên nâng cao cảnh giác trước các email, tin nhắn, điện thoại lừa đảo. Gọi ngay cơ quan công an hoặc báo chí để phản ánh vụ việc khi nghi ngờ lừa đảo.

Gia Hưng