Tra cứu thông tin Wikipedia... không cần Internet

Gần 2.000 đề mục của Wikipedia sẽ được đưa lên đĩa CD và bán cho những ai muốn tra cứu thông tin từ trang này mà không có điều kiện kết nối Internet.

Phiên bản CD 0.5 sẽ bao gồm các chủ đề như địa lý, các lĩnh vực nghệ thuật, văn chương, khoa học và lịch sử. Và tất cả thông tin, chỉ được chọn từ phiên bản tiếng Anh của trang, dù hiện có hơn 1,7 triệu bài viết bởi nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước khi được chép lên CD đều đã qua tuyển chọn bởi phần mềm chuyên biệt nhằm đánh giá chất lượng chân thực và tầm quan trọng của chúng đối với cộng đồng Wikipedia.

Trong thành phần ban biên tập còn có Martin Walker, một học giả tên tuổi của Hoa Kỳ, sẽ giúp lập nên các tiêu chí lựa chọn cho chiếc đĩa CD có giá 13,99 USD này.

"Chúng tôi muốn gửi gắm vào nó những chủ đề chính, kèm theo các tin bài tốt nhất mà cộng đồng Wikipedia có thể cống hiến", Giáo sư Walker, thuộc State University of New York, Potsdam nói. "Tất nhiên chúng sẽ được biên tập kỹ càng văn phong và độ trong sáng dễ hiểu, tránh các lỗi không đáng, những thành kiến chống phá và cả tiếp thị".

Tổ chức Wikimedia cho biết phiên bản CD này phản ánh sứ mạng "đem lại kiến thức cho toàn thể nhân loại".

Được biết bộ sưu tập này không phải là lần đầu cung cấp tin theo kiểu offline của trang. Vào năm 2006, hội từ thiện vì trẻ em SOS Children cũng đã phát hành một phiên bản từ điển bách khoa với các chủ đề lấy từ Wikipeida. Phiên bản CD lúc ấy nhắm vào các trẻ từ 8 đến 15 tuổi. Và nó là dự án đầu tiên trong số nhiều dự án offline của cộng đồng Wikipedia.

Tuy CD 0.5 chưa chính thức có mặt nhưng tổ chức Wikimedia cho biết một phiên bản tiếng Pháp của nó đang được lên kế hoạch, và trong vài tuần tới người dùng sẽ có trong tay một DVD sổ tay tra cứu gồm 239.000 bài viết bằng tiếng Ba Lan.

Với công bố này, Wikimedia cho thấy ý đồ lấn sân trong thời gian sắp tới trên thị trường vốn trước giờ bị thống trị bởi các công ty như Encyclopaedia Britannica.

Theo Bùi Nguyễn Quỳnh Anh
Tuổi trẻ/BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm