Tổng thống Donald Trump sẽ làm rung chuyển công nghệ toàn cầu như thế nào?
(Dân trí) - Công nghệ Mỹ dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump, song ở châu Âu và châu Á, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu được thế giới quan tâm, song quốc gia đang nắm giữ ngôi vương không phải là Mỹ. Đó chính là đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump có cuộc phỏng vấn với Bloomberg và tuyên bố: "Đài Loan đã lấy mất 100% ngành kinh doanh chip của Mỹ. Đáng lẽ chúng ta không bao giờ nên để điều đó xảy ra".
Một sự thật không thể phủ nhận rằng, Đài Loan không hề "lấy mất", mà đã phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình một cách tự nhiên, công bằng thông qua sự kết hợp giữa tầm nhìn xa, nỗ lực và đầu tư.
Khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia dự đoán về một làn sóng mới sẽ làm rung chuyển ngành công nghệ toàn cầu. Vậy các công ty công nghệ ở châu Á và châu Âu nên chuẩn bị gì?
Theo chuyên gia ngoại giao kỹ thuật số Julien Nocetti từ TSMC (nhà sản xuất chip gia công lớn nhất thế giới hiện nay), Tổng thống Trump sẽ đảm bảo việc Đài Loan tiếp tục được Mỹ bảo vệ về mặt quân sự với điều kiện ông lớn trong ngành bán dẫn TSMC hợp tác nhiều hơn với Mỹ.
Trung Quốc rõ ràng đang có một nỗi lo, Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump luôn có đường lối cứng rắn nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc - vốn chỉ sau Mỹ về trí tuệ nhân tạo, robot, giao thông xanh.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ làm "đen tối" chân trời của công nghệ Trung Quốc, chính ông là người đã đưa gã khổng lồ Huawei - niềm tự hào của quốc gia tỷ dân - vào danh sách đen, năm 2019.
Tất nhiên, Tổng thống Donald Trump không phải là người Mỹ duy nhất tiến hành cuộc "chiến tranh lạnh" công nghệ này với Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Julien Nocetti chỉ ra: "Phong cách của Tổng thống Trump sẽ táo bạo hơn trong vấn đề này khi cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều thực sự đồng tình trong việc độc lập về kinh tế và công nghệ giữa hai Mỹ - Trung Quốc vào năm 2040".
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Nhà Trắng đã hạn chế mạnh mẽ việc chất bán dẫn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, tước đi những con chip Nvidia (của Mỹ) tinh vi nhất khỏi quốc gia tỷ dân. Những con chip này vốn rất cần để phát triển các mô hình ngôn ngữ trong trí tuệ nhân tạo.
Bức tường hải quan trước mặt Trung Quốc
Trung Quốc vẫn đang nỗ lực xây dựng chủ quyền kỹ thuật số trong hơn 1 thập kỷ, cũng đã có sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các hạn chế của Mỹ so với nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chính sách trong tương lai của Hoa Kỳ sẽ không gây hậu quả.
Các lĩnh vực khác (ngoài những lĩnh vực đã được nhắm mục tiêu) như viễn thông, cáp ngầm sẽ có thể nằm trong tầm ngắm của Mỹ để hạn chế sự phát triển công nghệ tài chính Trung Quốc.
"Nếu Hoa Kỳ khó có thể thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với chất bán dẫn, quốc gia này sẽ có thể chuyển mục tiêu tới các công ty công nghệ trung gian giúp Trung Quốc có được chip chuyên dụng để phát triển trí tuệ nhân tạo", Gilles Babinet, đồng chủ tịch Hội đồng kỹ thuật số Quốc gia (CNnum), chỉ rõ.
Việc Hoa Kỳ tăng thuế đối với Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cũng sẽ có tác dụng loại bỏ nhiều doanh nghiệp chuyên về vận tải, sáng tạo nội dung khỏi thị trường Mỹ đầy lợi nhuận.
Trong vấn đề này, nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới Tesla, thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk cũng có thể bị ảnh hưởng.
Giá trị của nhà sản xuất ô tô đã tăng vọt trong vài giờ sau khi công bố kết quả bỏ phiếu Tổng thống Mỹ. Tác động từ chiến thắng của Đảng Cộng hòa đối với công ty vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Rào cản hải quan đối với Trung Quốc nếu được Tổng thống Donald Trump tăng cường sẽ giúp Tesla tăng thị phần tại Mỹ, nhưng trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào cũng có nguy cơ bị trả đũa.
Điều này có thể khiến Tesla mất thị phần ở Trung Quốc và châu Âu.
Phá bỏ các quy định của châu Âu
Chiến thắng của ông Donald Trump cũng sẽ tạo nên làn sóng ở Liên minh châu Âu (EU). Với Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU, Bỉ đã thành công trong việc thông qua các văn bản quy định kỹ thuật số đầy tham vọng để chống lại thông tin sai lệch hoặc rủi ro độc quyền do các nền tảng công nghệ lớn (chủ yếu của Mỹ) gây ra.
Và dưới thời Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến hứa hẹn sẽ nhiều khó khăn.
Ví như gã khổng lồ Apple đang phải đối mặt với một trở ngại pháp lý lớn đối với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA: Digital Market Act) - buộc Apple buộc phải mở cửa hơn nữa hệ sinh thái của mình, đặc biệt là đối với hệ điều hành iOS.
Tình huống này đặt Apple vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, công ty phải tuân thủ các yêu cầu quy định; mặt khác, nhà sản xuất phải tìm cách bảo tồn những gì tạo nên sức mạnh của mình: một hệ sinh thái khép kín và bảo mật cho người dùng.
Chuyên gia Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) dự đoán: "Tổng thống Donald Trump sẽ giúp các nhóm công nghệ Mỹ lật ngược lại các quy định của Châu Âu nhắm vào họ".
Có thể, Hoa Kỳ sẽ sử dụng các nền tảng mạng xã hội lớn - vốn được nhiều công dân trong khối Liên minh châu Âu sử dụng - làm vũ khí.
Điều này đã bắt đầu với việc Meta (công ty mẹ của Facebook) thông báo rằng, mô hình ngôn ngữ Llama lớn của họ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Điều này đặt ra châu Âu phải áp dụng tầm nhìn chiến lược về địa chính trị đối với các nền tảng này để tránh việc truyền bá thông tin sai lệch.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump không giấu diếm việc mong muốn giảm viện trợ của Mỹ cho Ukraine và rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); bị xa cách bởi đồng minh, châu Âu có mọi lợi ích trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của chính mình.
Gilles Babinet hy vọng: "Chúng ta phải tăng ngân sách quốc phòng và ngân sách nghiên cứu của EU lên 3% GDP mỗi lĩnh vực, đồng bộ hóa tất cả những điều này ở cấp độ châu Âu, đi cùng với việc tài trợ cho các công nghệ đột phá, đặc biệt là những công nghệ đóng vai trò quan trọng trong lợi ích quân sự của chúng ta như AI, lượng tử".
Châu Âu - thị trường xuất khẩu duy nhất của Trung Quốc?
Đối với các lĩnh vực như pin xe điện, hydro xanh… người dân châu Âu cũng sẽ thấy địa lý của lĩnh vực này thay đổi.
Nếu thuế hải quan được Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc tăng mạnh, Châu Âu sẽ trở thành thị trường xuất khẩu duy nhất của các nhà sản xuất tấm quang điện, tuabin gió hoặc thậm chí máy điện phân của Trung Quốc…
Do đó, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách Châu Âu phản ứng với điều này.
"Nếu Tổng thống Donald Trump làm suy yếu hơn nữa sự đồng thuận của các quốc gia trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, điều này sẽ tạo ra một làn sóng trừng phạt tất cả những công ty, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng", Vincent Charlet, giám đốc Phòng thí nghiệm Ý tưởng La Fabrique de Idea, cảnh báo.
Tổng thống Donald Trump cũng hứa sẽ xóa bỏ Sắc lệnh hành pháp về AI được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden.
AI là công nghệ quan trọng nhất và Hoa Kỳ sẽ làm mọi thứ để củng cố vị trí dẫn đầu của mình trong lĩnh vực này và Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ chú ý hơn đến nhu cầu của các công ty trong lĩnh vực AI đặc biệt là về cơ sở hạ tầng năng lượng.
Công nghệ không có dấu hiệu chậm lại, nó đang thúc đẩy các quốc gia hội nhập nhiều hơn giúp chúng ta chưa bao giờ giao tiếp dễ dàng đến thế. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến sự phân mảnh lớn do ảnh hưởng của địa chính trị toàn cầu.