Tin học hóa quản lý hành chính giậm chân tại chỗ

Được coi là nền tảng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng đến nay, thời gian triển khai Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112) đã hết, tiền tỷ đổ vào nhưng thiết bị, công nghệ thì gần như vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước đòi hỏi trước tiên là phải có đội ngũ cán bộ có trình độ. Tiếp đến, để việc ứng dụng “đi vào cuộc sống”, phải có sự chuẩn hóa quy trình hành chính, vì quản lý hành chính bằng công nghệ thông tin gắn liền với cải cách hành chính. Tuy nhiên, ngay ở thời công nghệ thông tin hiện đại vẫn có những cán bộ chưa hề biết liên lạc bằng thư điện tử, thậm chí không biết e-mail là gì. Một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh không cho giáo viên dùng giáo án điện tử, mà buộc phải viết tay. Lý do mà cán bộ ấy đưa ra là sợ các giáo viên copy giáo án của nhau nên chọn phương án thủ công cho chắc.

Đòi hỏi kế tiếp cho việc ứng dụng tin học đạt hiệu quả, ông Lâm Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND TPHCM, cho rằng phải có quy trình chuẩn, nhưng “chuẩn” đến mức nào thì vẫn chưa có (ngoại trừ một số quận thí điểm). Thời gian qua, tuy TPHCM có mẫu hóa các hồ sơ, giấy tờ hành chính nhưng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND quận 1, thì việc mẫu hóa chỉ dừng lại ở việc thống nhất giấy tờ, mà cải cách là tinh giản chứ không phải thay thế.

Vì thế, để đáp ứng yêu cầu thực tế, một số quận tự bỏ ra tiền tỷ mua về phần mềm ứng dụng, xây dựng quy trình riêng cho đơn vị mình. Tưởng “năng động” là tốt hóa ra lại “bị động” hơn. Bởi khi chính phủ thống nhất triển khai phần mềm chung thì phát hiện mỗi nơi dùng một phần mềm khác nhau, không thể kết nối vào đường truyền chung được, muốn chung phải bỏ, mà bỏ thì lãng phí…

Có nơi còn trang bị đường truyền và máy móc xuống tận phường, nhưng với đội ngũ cán bộ chưa có kiến thức tin học thì chiếc máy tính chỉ để đánh chữ, làm báo cáo tổng kết. Rồi cũng chạy theo phong trào, mọi tỉnh, thành, quận, huyện nào cũng cho ra đời trang thông tin điện tử (website) nhưng thực tế mức độ cập nhật thông tin rất chậm. Sớm thì một tuần, có nơi cả tháng chẳng cập nhật thông tin mới.

Thực tế, Đề án 112 đã xây dựng được các hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội, hệ thống quản lý công văn và hồ sơ công việc rất hiệu quả, nhưng “đụng” đến trang thông tin điện tử điều hành tác nghiệp - “điểm nóng” giải quyết quy trình hành chính vốn được mọi người quan tâm nhất - thì vẫn chưa làm được.

Mảng cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý hành chính, đáp ứng dịch vụ công cho nhân dân đến nay vẫn chưa nơi nào ra đời. Ông Tần Xuân Bảo, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết quận này đang triển khai nhập liệu tất cả hồ sơ hành chính để quản lý bằng hệ thống mạng. Nhưng với tình trạng cán bộ thiếu, trình độ tin học chưa cao, có thể đến năm 2006 mới hoàn thành phần nhập liệu. Ý tưởng của quận là khi ứng dụng, ngoài việc tra cứu để phục vụ quản lý nhà nước, còn cung ứng dịch vụ hành chính cho dân.

Ví dụ, khi người dân cần mua nhà ở Bình Thạnh, có thể đến quận “nhấp chuột” là có thể biết tình trạng nhà có giấy tờ chưa, có nằm trong quy hoạch không, ai là chủ sở hữu… Về sau, quận sẽ liên thông xuống phường thì người dân có thể nộp hồ sơ và xem thông tin hành chính tại phường.

Một số chuyên gia cải cách hành chính cho rằng nếu chỉ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đến cấp quận thì sẽ bị đứt khúc ngay. Do vậy, ngay từ bây giờ cần triển khai đồng bộ xuống tận cấp phường - xã, nơi gần dân nhất để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách của dân và đẩy mạnh cập nhật dữ liệu.

Theo quy trình hành chính hiện nay thì hầu như giấy tờ gì, từ vay vốn đến xin cho con đi học, xin việc làm… đều đòi hỏi có xác nhận của chính quyền địa phương. Chẳng hạn xác nhận tình trạng độc thân, phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố thì phường mới xác nhận. Với công cụ hỗ trợ là công nghệ thông tin, khi dữ liệu đã cập nhật đầy đủ vào mạng thì lúc làm hồ sơ hành chính, người dân chỉ cần khai nhân thân, hộ khẩu, cán bộ có thể kiểm tra đối chiếu chỉ bằng cái “nhấp chuột” trong hệ thống dữ liệu của mình để xác nhận, từng bước xóa bỏ cơ chế xin - cho như lâu nay. 

Theo Sài Gòn giải phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm