Tìm thấy khí metan trên bầu khí quyển sao Hỏa
(Dân trí) - Tàu thăm dò Curiosity của NASA vừa phát hiện ra một lượng lớn khí methane trong bầu khí quyển của sao Hỏa. Bên cạnh đó, con tàu cũng lần đầu tiên phát hiện các phân tử hữu cơ trong đất đá trên bề mặt của hành tinh này.
Theo báo cáo, tàu thăm dò Curiosity đã phát hiện ra một số chất hữu cơ quan trọng và đều là những chất liên quan đến sự sống. Điển hình trong đó là chlorobenzene có trong các lớp đất đá trên sao Hỏa. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết đây là các phân tử này là dấu hiệu của việc đã từng tồn tại sự sống hay do kết quả của hoạt động nonbiological.
Đặc biệt, từ các công cụ đo đạc của mình trong 20 tháng nghiên cứu, tàu Curiosity đã phát hiện ra một lượng khí methane trên bầu khí quyển sao Hỏa nhiều gấp 10 lần bình thường. Trong 4 tuần đo đạc gần nhất, Curiosity cho thấy mức methane tăng một cách “đột biến” từ 0,69 phần tỉ thể tích khí (ppvb) lên đến mức 7,2 ppvb. Hiện bầu khí quyển của Trái đất đang có 1800 ppvb khí methane.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn khí methane trên sao Hỏa và vì sao lại có sự tăng vọt này. Trên Trái đất, methane được tạo ra chủ yếu từ phân hủy các chất hữu cơ bởi vi khuẩn nhưng sao Hỏa có thể không phải nguyên nhân này. Hoặc cũng có thể khí methane được hình thành trên hành tinh Đỏ cách đây hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm khi nơi đây có sự sống tồn tại và được “chôn giấu” dưới các lớp đất đá, đến bây giờ mới có dịp thoát ra.
Tuy nhiên, cũng đã có giải thích cho rằng nguyên nhân của lượng methane lớn là do các phản ứng hóa học giữa nước và chất khoáng trong đá sao Hỏa hoặc từ phản ứng giữa các bức xạ tia cực tím của mặt trời và bụi vũ trụ.
Curiosity là một trong hai robot thăm dò sao Hỏa của NASA, hạ cánh xuống miệng núi lửa lớn nhất hành tinh này vào tháng 8/2012 và có nhiệm vụ khám phá vật chất trên đó.
Lâm Anh