1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet

(Dân trí) - HTTP - giao thức hoạt động dựa trên mô hình Client - Server và hiện vẫn đóng vai trò là nền tảng cho mạng lưới Internet nhiều khả năng sắp bị thay thế bởi một giao thức mới nhanh hơn, an toàn hơn với tên gọi là IPFS

HTTP là chữ viết tắt của HyperText Transfer Protocol (giao thức truyền tải siêu văn bản), hiện vẫn là yếu tố cốt lõi giúp cho chúng ta có thể kết nối và đọc các thông tin trên mạng Internet. Mặc dù được sử dụng một cách rộng rãi, nhưng giao thức HTTP vẫn sở hữu nhiều hạn chế, mà đa phần là về tính bảo mật và tốc độ truyền tải dữ liệu.

Đây cũng là lý do mà HTTPS ra đời từ năm 1994, nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo mật thông tin của các website về tài chính, doanh nghiệp hoặc chính phủ, nhưng vẫn chưa mang đến sự hoàn thiện tối đa.

Mãi tới năm 2016, khi người ta bắt đầu làm lễ sinh nhật tròn 20 năm cho HTTP như một công nghệ mang tính cách mạng của nhân loại, thì đã bắt đầu có những thông tin về một giao thức mới nhanh hơn, an toàn hơn mang tên IPFS, hứa hẹn sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho cả HTTP và HTTPS trong tương lai như là chế độ truyền thông tiêu chuẩn của các website.

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet - 1

Về định nghĩa, IPFS (viết tắt của InterPlanetary File System) là một giao thức phân phối mã nguồn mở của giao thức hypermedia hoạt động dựa trên nội dung và danh tính. Cụ thể hơn, nó sẽ phân phối dữ liệu theo hình thức P2P, hay còn gọi là mạng ngang hàng (mạng đồng đẳng). Trong đó, các hoạt động của IPFS chủ yếu dựa vào khả năng tính toán băng thông của tất cả các máy tham gia chứ không tập trung vào một phần nhỏ các máy chủ trung tâm như các giao thức khác.

Để giải thích rõ hơn cho điều này, nhóm nhà phát triển đã mô tả cách thức hoạt động của IPFS sẽ tương tự như BitTorrent, đồng nghĩa với mỗi máy tính tham gia trong mạng lưới của nó sẽ đảm nhận cả việc download lẫn upload dữ liệu mà không cần có sự có mặt của một máy chủ trung tâm. So với HTTP, IPFS mang lại tiềm năng lớn nhờ cải thiện được tốc độ truyền tải, tránh sự phụ thuộc vào các máy chủ và có khả năng cải thiện cấu trúc của nền tảng Internet.

Những thuật ngữ chuyên ngành và cách thức hoạt động rắc rối có thể sẽ phù hợp hơn với dân IT, nhưng lại là những yếu tố quá xa vời đối với người dùng Internet. Do vậy, tất cả những gì chúng ta cần biết có lẽ chỉ là những câu hỏi như IPFS sẽ mang tới điều gì cho người dùng? Vì sao nó cải tiến hơn so với HTTP? Hay nói cách khác, tại sao chúng ta nên cân nhắc để chuyển qua IPFS.

Tránh sự phụ thuộc vào máy chủ

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet - 2

"404 Page Not Found" đã và đang là nỗi ác mộng với người dùng Internet, khi các nội dung mà bạn tìm kiếm trên Internet không tồn tại, hoặc đã bị xóa bỏ. Về mặt kỹ thuật, lỗi 404 được áp dụng trong trường hợp máy chủ của website không thể tìm thấy nội dung mà bạn yêu cầu.

Bạn thường dễ dàng tìm thấy lỗi 404 khi tìm kiếm các nội dung đã cũ, khi chúng ta đang ngoại tuyến, hoặc máy chủ đang gặp phải sự cố và không thể hồi đáp thông tin cho người dùng. Đây cũng là vấn đề lớn nhất mà giao thức HTTP gặp phải, điều mà nó không thể cải thiện cũng như khắc phục.

Mặt khác, giao thức IPFS hoàn toàn bỏ qua khái niệm máy chủ, mà chỉ quan tâm tới nội dung tìm kiếm. Điều này không chỉ giúp chúng ta rút ngắn con đường tới thông tin, mà lại không lo gặp phải các máy chủ kém chất lượng, kém tin cậy.

Không còn mô hình tập trung

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet - 3

Với mô hình Internet ngày nay, chúng ta luôn đứng trước các vấn đề mang tính dây chuyền, mà khởi nguồn là cuộc chiến tranh giành người dùng đến các máy chủ trung tâm tốt hơn, được điều hành bởi một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Amazon, Google, Yahoo,...

Điều này dẫn đến các vấn đề như nhiều bí mật của chính phủ bị hé lộ, các công ty sử dụng phần mềm gián điệp, tin tặc thực hiện các vụ tấn công DDoS, ISPs công khai chặn các dịch vụ mà họ không muốn bạn truy cập, dữ liệu bị ngăn cản khỏi nội bộ một quốc gia, hay dữ liệu của bạn có thể chống lại chính chúng ta.

Với mô hình website phân tán (decentralized) của IPFS, các vấn đề này hoàn toàn được khắc phục và không còn chế độ quản lý phân cấp. Một trang web được tạo ra với mục đích chia sẻ thông tin sẽ luôn đến được với người dùng. Ở điều kiện lý tưởng nhất, bạn thậm chí có thể truy cập website khi không có kết nối mạng. Đây không chỉ là một điểm cộng lớn đối với các nhà phát triển, mà còn đánh dấu sự tiến bộ đối với với các quyền cá nhân, quyền riêng tư của người dùng.

Giảm bớt chi phí

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet - 4

Ưu điểm tiếp theo của mô hình IPFS đó là giảm bớt chi phí đối với cả người cung cấp nội dung và người dùng thông thường.

Có thể bạn chưa biết, nhưng dữ liệu được sử dụng trong giao thức HTTP trên thực tế rất tốn kém. Các nhà cung cấp dữ liệu được phép tính phí và đề ra các thỏa thuận đối với những nội dung ăn khách trên Internet.

Lấy thí dụ như đoạn MV từng gây sốt trên YouTube từ năm 2013 là Gangnam Style có dung lượng khoảng 117 MB. Với lượt người xem khoảng 2,3 tỷ vào đầu năm 2016, ta tính được tổng cộng khoảng 274.286.340.432 MB hay 274,3 Petabyte dữ liệu được truyền tải trên Internet. Nếu tính trung bình với giá 1 cent cho mỗi gigabyte dữ liệu (bao gồm chi phí băng thông và máy chủ trên toàn thế giới), thì 2,74 triệu USD đã được sử dụng chỉ để phân phát đoạn video này tới người xem trên toàn thế giới.

Với cách thức hoạt động khác biệt, IFPS sẽ cho phép đoạn video trên được tải hoàn toàn về mạng nội bộ IPS dù bạn là ai và đang ở đâu. Do đó loại bỏ sự cần thiết của hàng loạt trạm kết nối và máy chủ Internet, giúp chi phí tổng thể giảm một cách rõ rệt.

Bạn nghĩ sao về một tương lai với sự trợ giúp của IPFS cùng các dịch vụ đi kèm sẽ thay thế hoàn toàn cho HTTP, HTTPS và các công nghệ từ hơn 20 năm trước để hướng tới một nền tảng Internet với mã nguồn mở? Xin vui lòng chia sẻ quan điểm trong mục bình luận bên dưới.

Nguyễn Nguyễn

Tìm hiểu kẻ soán ngôi HTTP và thay thế cấu trúc nền tảng Internet - 5