Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi từ bỏ Facebook, Google, Amazon

(Dân trí) - Theo bà Elizabeth Warren, các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ dù mang đến các sản phẩm có giá trị, nhưng cũng đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng quá to lớn đối với đời sống số. Đây là điều không mong muốn đối với các hãng công nghệ vừa và nhỏ.

dims.jpg

Bà Elizabeth Warren nêu bật quan điểm "đã tới lúc ngừng sử dụng Amazon, Google, Facebook" trong một bài blog.

Cách đây ít ngày, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren đã đăng một bài viết trên nền tảng blog Medium, lên tiếng kêu gọi người dùng từ bỏ các dịch vụ Internet lớn bao gồm Facebook, Google, Amazon và nêu rõ lý do bà làm như vậy.

Trong bài viết có tựa đề “Đã tới lúc từ bỏ Facebook, Amazon, Google”, Warren cáo buộc các công ty công nghệ này sử dụng nguồn lực khổng lồ của họ để định hình sân chơi và mua lại sự cạnh tranh tiềm năng từ các đối thủ khác trên thị trường.

Các “ông lớn” công nghệ làm ảnh hưởng tới thị trường và sự đổi mới như thế nào?

elizabeth-warren-1.png

Theo Warren, các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ dù mang đến các sản phẩm có giá trị, nhưng cũng đồng thời tạo ra tầm ảnh hưởng quá to lớn đối với đời sống số. 

Cụ thể là gần một nửa số giao dịch thương mại điện tử đều thông qua Amazon; hơn 70% lưu lượng truy cập Internet thông qua các trang web được sở hữu hoặc vận hành bởi Google hoặc Facebook.

Khi các công ty này phát triển ngày càng lớn mạnh, họ tiếp tục sử dụng các nguồn lực và kiểm soát cách chúng ta sử dụng Internet để dẹp bỏ sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhỏ, cũng như mọi sự đổi mới. 

“Để khôi phục sự cân bằng quyền lực trong nền dân chủ của chúng ta, và để thúc đẩy cạnh tranh, cũng như đảm bảo rằng thế hệ đổi mới công nghệ tiếp theo sẽ sôi động như lần trước, đã đến lúc chúng ta phải chia tay các công ty công nghệ lớn nhất này”, Warren cho biết.

Làm thế nào để khôi phục sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ?

warren.jpg

Warren có hai đề xuất để chống lại ảnh hưởng của các công ty công nghệ hàng đầu. Đầu tiên, bà sẽ chỉ định các công ty này trở thành dạng "tiện ích nền tảng". 

"Các hãng công nghệ lớn sẽ bị cấm sở hữu cả tiện ích nền tảng lẫn người dùng bất kỳ tham gia trên nền tảng đó", Warren trình bày trong bài viết được đăng tải trên Medium. 

Các tiện ích nền tảng theo đó, sẽ được yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn giao dịch công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử với người dùng. Ngoài ra, cũng không được phép chuyển hoặc chia sẻ dữ liệu với các bên thứ ba. 

Thứ hai, Warren đề xuất hạn chế, kết hợp đảo ngược sáp nhập công nghệ - mà bà gọi là chống cạnh tranh. Thí dụ được bà đưa ra bao gồm việc mua lại Whole Food của Amazon hay việc mua Instagram của Facebook. Những vụ sáp nhập và mua lại này, theo quan điểm của Warren, đã và đang tạo ra sự cạnh tranh bất hợp pháp. 

D40105D2-F970-4091-B41D-476A083CAED3.jpeg

“Thay đổi này sẽ cho phép các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh với Amazon bằng cách bán hàng trên nền tảng của riêng họ, mà không lo rằng công ty sẽ đẩy họ ra hỏi thị trường”, Warren cho biết.

Ngoài ra, thay đổi cũng sẽ khuyến khích Facebook tôn trọng quyền riêng tư của người dùng và ngăn Google hạ thấp kết quả tìm kiếm của đối thủ cạnh tranh. 

Quan điểm của Elizabeth Warren đặc biệt thu hút sự chú ý của giới lập pháp, trong bối cảnh quyền riêng tư của người dùng được đưa lên hàng đầu, và thị trường thu hẹp do sự thống trị của các ông lớn công nghệ.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng sự phát triển của các ông lớn công nghệ là tất yếu, và kẻ yếu sẽ bị “đánh bật” khỏi thị trường, hoặc được sáp nhập với mục đích hoàn thiện hơn.

Nguyễn Nguyễn