Thương mại điện tử: Cần cảnh giác với mặt trái
(Dân trí) - Tại Việt Nam, ngành bán lẻ bằng thương mại điện tử đã phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, hình thức này cũng đã bộc lộ những mặt trái trong đó có cả lừa đảo, gian lận.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử” vừa diễn ra tại Hà Nôi, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho rằng, sự xuất hiện của phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức thương mại điện tử ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, hình thức này cũng đã bộc lộ những mặt trái, trong đó có cả lừa đảo, gian lận khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng làm thiệt hại người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín đối với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng chân chính.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã có 70 siêu thị, 15 trung tâm thương mại và khoảng 400 chợ truyền thống vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, ngoài phương thức bán hàng trực tiếp còn phát sinh thêm các phương thức bán hàng mới như: bán hàng qua điện thoại, qua truyền hình, bán hàng qua mạng…
Các chuyên gia đều nhận định, sự phát triển của thương mại điện tử là một điều tất yếu tại Việt Nam. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan làm được những gì để hạn chế những mặt trái của sự phát triển, và các doanh nghiệp thương mại điện tử muốn phát triển bền vững có thương hiệu cần phải làm gì để phát triển nhanh và vững chắc doanh nghiệp của mình.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng thư ký hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, công nghệ đã làm thay đổi cách thức vận hành ngành là rất lớn như thể hiện qua khối ngành thông tin ở các báo điện tử, ngành giải trí trực tuyến. Trào lưu của báo điện tử đã làm thay đổi nền công nghệ Internet tạo thành trào lưu tin tức ở Internet và nhóm độc giả có khoảng 30-40 triệu người /ngày đọc với chi phí bằng 0.
Bàn về giải pháp “Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành hàng bán lẻ” hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Hưng - TGĐ Công ty Cổ phần Đi Siêu Thị cho rằng, người dân thành phố hiện nay là những khách hàng luôn cập nhật những tiện ích và phong cách sống hiện đại nhất, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và gia đình. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ ngày càng khốc liệt.
Phạm Thanh