Thu hồi giấy phép mạng ảo của Đông Dương Telecom

Bộ TT&TT đã chính thức ký quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động ảo của Đông Dương Telecom vì lý do không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời gian quy định.

Giấy phép mạng ảo của Đông Dương Telecom bị thu hồi sau hơn 3 năm cấp phép.

Giấy phép mạng ảo của Đông Dương Telecom bị thu hồi sau hơn 3 năm cấp phép.

 

Đông Dương Telecom lỗi hẹn với thị trường

 

Ngày 19/8/2009, Bộ TT&TT đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Về bản chất, đây là mô hình bán lại dịch vụ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực di động. Thời điểm đó, Bộ TT&TT cho rằng, đây là loại hình dịch vụ mới, nên muốn thành công, chắc chắn các doanh nghiệp như Đông Dương Telecom phải có sự phối hợp, trợ giúp của các mạng di động khác, đặc biệt là Viettel cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Việc hợp tác bán lại dịch vụ này phải dựa trên cơ sở đàm phán và đảm bảo lợi ích giữa các bên để tạo thành công cho các doanh nghiệp.

 

Ngay tại buổi nhận giấy phép này, ông Phạm Thanh Tự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đông Dương Telecom lúc bấy giờ cho biết: “Chúng tôi cần có thời gian thử nghiệm dịch vụ để có thể triển khai dịch vụ trong quý I/2009. Trước mắt, Đông Dương Telecom sẽ tập trung hợp tác với Viettel, nhưng trong tương lai có thể mở rộng hơn sử dụng hạ tầng với các nhà cung cấp khác”.

 

Cũng tại thời điểm đó, một số mạng di động lớn của Việt Nam cho biết, hiện APRU của các mạng di động bình quân khoảng 5 USD, nhưng rất có thể APRU sẽ giảm xuống còn dưới 3 USD trong thời gian tới. Bối cảnh này sẽ đặt nhà điều hành mạng ảo vào thế cực kỳ khó khăn bởi họ sẽ không biết kiếm lợi nhuận như thế nào thông qua việc bán lại dịch vụ. Đương nhiên, những nhà khai thác như Viettel sẽ không thể bán buôn lưu lượng cho Đông Dương Telecom dưới giá thành được.

 

Trả lời về vấn đề liệu có lo ngại cảnh “Trâu chậm uống nước đục” hay không, ông Phạm Thanh Tự cũng thừa nhận đây là thách thức cho Đông Dương Telecom vì là người “sinh sau đẻ muộn” trong điều kiện nhiều nhà khai thác đã đi trước đó rất xa và rất dài, có nhiều kinh nghiệm và cả tiềm lực về vật chất và con người. “Chúng tôi cũng có những thuận lợi vì đã có những doanh nghiệp đi trước sẵn sàng chia sẻ hạ tầng. Mặt khác, chúng tôi cũng có thể lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tốt. Nếu chúng tôi chọn được công nghệ tốt, chúng tôi sẽ thành công bởi là người đi đầu nên không có ai cạnh tranh đối với loại hình này”, ông Tự khẳng định.

 

Thế nhưng, Đông Dương Telecom đã lỗi hẹn với thị trường về thời điểm cung cấp dịch vụ. Một lãnh đạo của Đông Dương Telecom cho biết công ty này lùi thời điểm cung cấp các dịch vụ trên mạng di động ảo vào quý 3/2011. Đông Dương Telecom vẫn tin tưởng với thế mạnh là Viettel có hạ tầng 2G và 3G lớn nhất. Như vậy, nếu quá trình đàm phán thành công, Đông Dương Telecom sẽ khắc phục được nhược điểm của mạng mới là vùng phủ sóng hẹp. Ngoài ra, Đông Dương Telecom sở hữu hai dải của đầu số “vàng” 099 (0998 và 0999) cũng là lợi thế đáng kể cho doanh nghiệp này khi tham gia thị trường. Thế nhưng, trước nhiều khó khăn nên đến thời điểm này Đông Dương Telecom vẫn “án binh bất động” với giấy phép mạng di động ảo.

 

Đông Dương Telecom chính thức rời cuộc chơi di động

 

Như vậy, tính từ thời điểm cấp phép cho đến nay đã hơn 3 năm Đông Dương Telecom vẫn không thể cung cấp dịch vụ mạng di động ảo trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng đến thời điểm này, khả năng tham gia thị trường của các mạng di động ảo đã gần như không còn nữa.

 

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, theo Luật Viễn thông, nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép, nhưng không triển khai trên thực tế nội dung quy định trong giấy phép viễn thông được cấp sau thời hạn 2 năm, kể từ ngày được cấp giấy phép, sẽ bị thu hồi. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới.

 

“Bộ TT&TT đã quyết định thu hồi giấy phép mạng di động ảo của Đông Dương Telelecom vì quá thời gian quy định phải cung cấp dịch vụ nhưng không triển khai cung cấp. Cùng với Đông Dương Telecom, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khác cũng bị thu hồi giấy phép với lý do tương tự. Bộ TT&TT sẽ kiên quyết thu hồi những giấy phép quá thời gian quy định nhưng không triển khai cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính thực thi nghiêm túc của pháp luật”, ông Phạm Hồng Hải nói.

 

Giới chuyên môn cho rằng, sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp xin giấy phép nhưng không cung cấp dịch vụ ngoài lý do chưa tính toán hết các yếu tố để có thể thâm nhập thị trường thì còn lý do là lâu nay việc xin giấy phép được miễn phí. Tuy nhiên, ngoài việc siết chặt quản lý đối với các giấy phép đã được cấp, Bộ TT&TT đã xây dựng quy định về việc thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông. Theo quy định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet sẽ phải nộp phí hàng năm dựa trên tỷ lệ phần trăm nhất định trên doanh thu. Nếu doanh thu thấp quá cũng phải nộp với một mức phí ở mức sàn nhất định. Như vậy, doanh nghiệp nào không cung cấp dịch vụ phải trả lại giấy phép, nếu không sẽ phải đóng phí thương quyền. Vì thế, doanh nghiệp phải cân nhắc khi tham gia vào thị trường. Ông Phạm Hồng Hải cho rằng: “Nếu chúng ta không thu phí cấp giấy phép, doanh nghiệp không hoạt động cũng không thấy bị ảnh hưởng gì cả. Tôi cho rằng sau khi thu phí thương quyền với dịch vụ này, số lượng doanh nghiệp xin giấy phép sẽ giảm”.

 

Với việc bị thu hồi giấy phép này, Đông Dương Telecom sẽ chính thức nói lời chia tay với thị trường di động. Tuy nhiên, Đông Dương Telecom vẫn còn một số giấy phép viễn thông khác. Thế nhưng, nếu Đông Dương Telecom không cung cấp dịch vụ theo đúng thời gian quy định cũng sẽ bị thu hồi. Với tình hình thực tế hiện nay, rất khó cho doanh nghiệp này có thể nhảy vào dịch vụ viễn thông truyền thống như cố định, di động và cả Internet.

 

Tại thời điểm nhận giấy phép cung cấp dịch vụ, Đông Dương Telecom cho biết sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng. Khác với những mạng di động được cấp phép trước đó, Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam gọi là di động ảo hay còn gọi là mạng viễn thông di động mặt đất không có tần số (Mobile Virtual Network Operator - MVNO). Mạng di động theo mô hình này xuất hiện lần đầu tiên năm 1999 tại Anh và đang dần trở nên phổ biến với hơn 400 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới.

 

Theo Thái Khang

ICTnews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm